Ảnh minh họa này không phải của mình mà lấy từ website nhé. Sau khi dành nguyên buổi tối khai thác hết sức chứa của thẻ nhớ máy ảnh để quay các nghệ sĩ của Hard Rock Cafe New York thì không còn chỗ nào cho một tấm ảnh chụp toàn cảnh nữa.
Hard Rock Cafe là chỗ như thế nào thì ai cũng rành hơn Thảo rồi. Chả là Sài Gòn còn có Hard Rock Sài Gòn còn gì. Nhưng ở nhà hay lười đi chơi nên tiếng tăm và đẳng cấp rock ở đấy như thế nào chưa được biết. Mà ở nhà chưa bao giờ đi được live concert nào nghe hay hơn một ca sĩ hát karaoke tốt. Đi một số concert bên Mỹ mới hiểu vì sao người ta tranh nhau đi nghe nhạc sống, với sân khấu dàn dựng tốt, nghe giọng mộc không chỉnh sửa hay hơn qua mấy lớp thu thanh nhiều.
Khám phá ra Hard Rock Cafe New York City là một sự tình cờ. Nói là tình cờ, lại tưởng quán này thích ở ẩn trên núi, sự thực phũ phàng thì quán nằm cách khu tâm điểm Time Square đường 42nd giao với Đại lộ 7th chỉ có một dãy nhà. Tình cờ là do hôm đó Thảo chủ trò, nên lúc đầu định đi thăm thư viện trung tâm của New York. Đi chơi với Thảo có hai chuyện: 1) bảo tàng, thư viện, viện hải dương học, sở thú, những nơi mang tính khám phá và học hỏi, và phải là đặc trưng của New York, và 2) chắc chắn trước đó đã lên mạng tra từ giá cả, bản đồ khu vực, vị trí có gần tâm điểm du lịch nào khác không để tiện đường đi v.v... cứ như là thiết kế tour. Thảo ghét đi lang thang vô định, không kế hoạch, phí thời gian. Một tật của Thảo là một khi đã định sẵn một hướng đi trong đầu rồi thì cứ theo y kịch bản mà đâm tới, không màng xung quanh. Hôm nó bể kế hoạch sao, cuối cùng lại đi lòng vòng Time Square, mua được lọ muối tiêu hình trái tim New York, chán ngán mấy cửa tiệm đắt đỏ, và kết quả là khám phá ra Hard Rock Cafe này (không có trang nào trên mạng quảng cáo cho cả).
Nhưng trước hết là khuyến mãi một số ảnh thu thập được của người viễn khách.
Nhìn từ xa kia là Tòa nhà Đế chế Empire State Building.
Đi một đoạn để ý dưới chân mình có những hình tròn lạ lạ. Hóa ra là mình đang rảo bộ trên đường Fashion Street, là Đại lộ Danh vọng của giới thời trang. Vô tình dừng lại được đúng cái tên duy nhất mình biết, Ralph Lauren, cha của cô Dylan, người thành lập Dylan's Candy Store.
Thứ duy nhất kêu gọi sự chú ý của mình đường Fashion là tượng ông thợ may và cây kim đâm qua hột nút 4 lỗ khổng lồ.
Phía trước tòa soạn của tờ nhật báo The New York Times.
Quảng trường thời đại, ban đêm sáng như ban ngày
Quảng cáo nói Hard Rock Cafe chủ trương một menu bình dân, phục vụ hòa nhã tận tình. Không ngoa. Với $11 cho một cái buger, giá cả rất là ổn so với chuẩn của khu Time Square. Vô tình đến sớm những 40 phút nên xí được một bàn khá đẹp, và chỉ gọi mỗi ly nước. Người ta đủ dễ thương để không tống cổ mình ra, kể cả lúc đến 8 giờ bao nhiều khách xếp hàng ngoài cửa nhưng hết bàn. Chỉ có cuối ngày người ta mặc định tiền tip trong bill cho mình là 20%, nhưng đó cũng âu chuyện thường ngày ở Mỹ.
Hard Rock Cafe còn đóng vai trò là một bảo tàng mini lưu dữ Kỉ vật của một nghệ sĩ đã hi sinh trong chiến tranh. Tron một khung kính là bức ảnh chụp ban nhạc The Beatles có chữ kí của cả 4 thành viên. Paul McCartney nhìn vẫn đáng yêu nhất. Tiếc là cũng vì chuyên bộ nhớ máy ảnh đã chạm mức max nên không chụp được. Trong lúc mình đứng tiếc nuối thì Sir Paul McCartney thiệt đang đứng ở building kế bên cũng nên. Thôi thì thay thế bằng ảnh chụp với bộ tượng của tứ quái này trong bảo tàng sáp Madame Tussaud.
Mình không rành nhạc, chỉ biết nghe, chưa biết thưởng thức :). Thể loại hard rock mình không nghe quen, trừ của ba là Scorpions và của mình là Green Day, vẫn nhức đầu. Ở phòng nhạc này chỉ ấn tượng những giọng gào cực khỏe và những ngón tay mất hút trên phím ghi-ta, và nhịp trống điều hòa nhịp tim. Với năng lượng bùng nổ như vậy, chỉ chăm chăm chờ tới màn đập vỡ cây đàn (coi video sẽ thấy), nhưng không có. Chắc là nhạc cụ biểu diễn chuyên nghiệp đắt giá lắm, không phải những thứ tạm bợ của dân bụi đời. Không biết các nghệ sĩ lên đến sân khấu Hard Rock Cafe của New York City danh tiếng đến chừng nào. David Archuleta từng biểu diễn ở đây khiến một cô gái khóc sướt mướt. Nhưng nghệ sĩ, nhạc sĩ ở đây không cần phải nổi như Archie mới có thể sống phủ phê cùng với đam mê. Có hai nhóm rõ ràng là người trẻ nhiệt huyết, và một nhóm còn lại mang tên "After the Rain", gồm các ông già New Jersey bảo thủ đội mũ cao bồi, trình diễn thể loại country rock, dễ nghe nhất. Run rủi thế nào mà mỗi lần đưa máy lên quay lại gặp phải bài không thích lắm. Trong số thu lại được có bài dưới đây nghe được nhất, của After the Rain. Đoán rằng tên bài là As long as you have a good time.
Hơi hướng country rất dễ chịu, rất Mỹ, rất tự hào :)
Thôi coi cho biết, ai bình luận dùm. Có phải là Heavy Mental đây không? Nhóm dưới này lên YouTube nghe lời rõ vậy thôi, ngồi ở đó chỉ nghe hỗn hợp trống nện và ghi-ta giật, át hết cả giọng.
Nhóm cuối cùng về trang phục giống như một sự dung hòa giữa hai nhóm trên. Nhạc thì Thảo không rõ nữa rồi :). Nhóm duy nhất có quảng bá tên nhóm, trò chuyện với khán giả và giới thiệu thành viên.