Pages

Saturday, November 10, 2012

Nghệ sĩ Ai-len

Thích nhất: bài số 5. Vì đã quên hết tên các bài hát nên giờ chỉ có mã số video.





Nhân dịp em đang nghiên cứu thuyết trình về nước Ai-len, chị Thảo post gấp mấy cái video, hồi trước cũng đưa link trên YouTube cho em rồi. Nghệ sĩ tên Chris Byrne, tên bình thường nhỉ. Nghệ sĩ có lẽ có chút tên tuổi, cũng là bạn thân của giáo sư nữa ;). Nhạc sĩ, nhạc công vẫn nhiều đất sống lắm, và họ có quyền đam mê nhạc truyền thống. Người ta còn có cả cái nhiệt tình tới biểu diễn cho mấy chục mặt sinh viên này.

Vùng Ai-len giàu văn hóa, quyết liệt giữ gìn nét đặc trưng của mình kể cả với nước Anh. Người Ai-len nói tiếng Anh giọng rất riêng, coi mấy clip phỏng vấn Westlife nhận được liền, giọng của tầng lớp chống đối Nữ hoàng Anh (có lẽ, chưa tra lại Sử), nghe như vừa Anh vừa Úc. Còn giọng Anh của Nữ hoàng- Queen's English thì quý phái, muốn nói được chắc phải luyện dài dài, lúc nào cũng phải để ý từng âm tiết nên mỏi cơ miệng hơn giọng lười của người Mỹ. Cơ mà nghe đúng người nói giọng Anh mới vỡ lẽ tiếng Anh hay, du dương không thua gì tiếng Pháp. Oh, cứ nghe Simon Cowell nói.

Làn sóng người di dân Ai-len chắc đã mang đạo Công giáo tới Hoa Kì. Cái sự gắn bó, bảo vệ truyền thống cũng khiến người Ai-len mém được coi là một thành phần dân tộc thiểu số riêng, mặc dù họ là người da trắng. Ví dụ về dấu ấn văn hóa Ai-len là việc người Mỹ ăn mừng ngày lễ Thánh Pattrick, với rất nhiều màu xanh lá, cỏ ba lá may mắn. Người Mỹ gốc Ai-len nổi tiếng thì Thảo chỉ biết có ông Gerald O'Hara, cha của cô Scarlette O'Hara. Tra thêm trên mạng thì ra được thêm tổng thống John F. Kenedy.

Nghe Chris Byrne đầu tiên đã vội nghĩ tới ngay Secret Garden. Nghĩ đến thứ hai là Tangled, đoạn phim dài 3 phút không có đối thoại trên nền nhạc phong cách châu Âu thời Trung cổ (cảm giác). Thích nhất đoạn người chơi đàn vĩ cầm ngả đầu lên cây đàn, bao giờ cao trào nó cũng ở khúc này. Cây đàn violon nó cũng thai nghén thời Trung cổ.

 



Điểm danh lại mấy nhạc cụ trên tay hai ông:
Cây đàn Bouzouki.

Sáo

Uilleann, cây kèn túi.
Nghe kể cây kèn đỏng đảnh này gặp thời tiết ít điều hòa như ở Ai-len dễ bị lạc điệu ngay. Theo Wiki thì Uilleann cũng cực khó chơi.







Saturday, November 3, 2012

Fur Elise- Beethoven (Tout L'amour)

Mục đích: theo dõi tiến độ từ tốn của quá trình tập luyện. Nhờ ba mẹ nhận xét, ngoài chuyện đàn chưa trôi và lạc nhịp ra (ngoài hai thứ đó ra thì còn lại gì hỡi?), vì Thảo tập bài này cho ba mẹ :). Này thì thói quen quay chụp những nghệ sĩ đêm khuya. Bạn khuyến khích Thảo tập Fur Elise, nghệ sĩ có sải tay dài một cách đáng ganh tị. Trong video này thì đang chơi một bài nhạc pop rất là không xứng tầm với trình độ.
Umbrella- Rihana
 

Friday, November 2, 2012

Mitt Romney vs. Barrack Obama

Trong quá trình vận động tranh cử, có 3 lần hai ứng cử viên tổng thống lập đàn đấu khẩu với nhau. Có nhiều luồng ý kiến trái chiều về sự nên xem hay không (tỉ lệ thì chênh nhau thấy rõ). Không nên là bởi quan niệm "politicians talk", chính trị gia nói, mà ai cũng biết là chính trị gia có khả gì rồi đấy. Đấy đấy là khả năng nói dài nói dai mà không cần nội dung gì cả. Còn nên là bởi hội Deabte Society bắt. Trong Debate thì cãi cái gì cũng không hăng bằng cãi chính trị và chính sách, kinh tế, quân sự, đối nội đối ngoại. Khi mà Thảo đã gia nhập hội này rồi mấy điểm này quả thật là chỗ yếu nhất trong kiến thức. Cái thứ duy nhất Thảo có thể dựa dẫm vào là khả năng suy diễn lung tung thiên bẩm. nhưng mà lập luận phải được yểm trợ bằng luận cứ, lấy le về mảng uyên bác, giám khảo cũng có cảm tình. Vì vậy, cần phải chỉnh đốn lại bản thân.

Bây giờ Thảo đã biết cách giảm thiểu tất cả đau khổ vất vả trong quá trình cập nhật, đó là lên báo Việt đọc. Vấn đề thuộc về quan điểm không đáng sợ lắm, vì tài nguyên cũng bao gồm rất nhiều bài dịch từ báo nước ngoài. Không cần kéo xuống cuối để thấy vỏn vẹn tên tờ báo nước ngoài, gọi là có trích dẫn nguồn (nhột, mình cũng làm vậy), thì trong quá trình đọc cũng thấy đậm mùi văn dịch. Nhớ lại hồi xưa, coi phim Pinocchio, đọc Tom Sawyer, đọc tuyển tập truyện cổ Andersen, cảm giác như từng lời của dịch giả thực sự là của nhân vật trong câu chuyện ấy. Trong số những tác phẩm văn học mới, đã chính thức thành sách in bày trên FAHASA, đã thấy Coraline thoát khỏi cái gượng ép của văn dịch dịch bằng từ điển.

À nói lan man. Thay vì đọc báo và bồi dưỡng kiến thức chính trị thì Thảo viết bài này, cảm hứng từ cái ảnh số 1.

Ảnh số 1 là gia đình của ứng cử viên tổng thống bên Đảng Cộng hòa Mitt Rommey. Gia đình 3 thế hệ này chỉ có 1 cặp ông-bà nội, đó là Mitt Rommey và phu nhân. Ảnh lượm trên Facebook của Mitt Rommey.




Còn ảnh dưới đây là gia đình host của Thảo hồi xưa, gia đình bà Carol. 

Cái sự khác biệt về số đầu người là do gia đình nọ có thâm niên hơn gia đình kia khoảng mười mấy năm.

Vì sự thể là cũng như gia đình bà Carol, Mitt Rommey cũng là người theo đạo Latter-day Saints (LDS), tên tiếng Việt là Giáo hội các Thánh hữu ngày sau, một nhánh của đạo Tin lành. Người theo LDS còn được gọi là người Mormon (Mặc môn), Đọc sơ tiểu sử của Mitt Rommey, không bảo cũng thấy rõ rành rành ông là người Mặc môn điển hình. Do cái duyên thế nào mà Thảo có một năm tiếp xúc rất nhiều với văn hóa của đức tin này. Mitt Rommey quả là được rập khuôn. Ông học cử nhân tại Đại học Brigham Young University, trường có >90% sinh viên theo đạo LDS, mặc dù sau đó lấy bằng Luật ở Harvard, để không kém cạnh Obama. Rommey cũng từng dành hai năm làm truyền giáo ở Pháp, từng giữ chức giám mục. Người Mặc môn kết hôn rất sớm và có vẻ chỉ lấy chồng/vợ là người cùng đạo. Người Mặc môn thích sinh nhiều con cái, như Rommey có 5, còn số cháu chắt thì mỗi thế hệ cứ tính lũy thừa hai. Người Mặc môn có tiếng là Cộng hòa bảo thủ :P.

Sắp tới ngày bầu cử rồi nên viết bài này gọi là chạy theo phong trào :).

Để cho công bằng thì đây là gia đình Obama. Ảnh trên Wikipedia.


Gia đình nhỏ dễ thương, rõ ràng là rập khuôn nhà mình mặc dù không bằng, không thể nào bằng được :). Ôi hai con gái tuổi ăn tuổi học. 

Thursday, November 1, 2012

Ảnh Halloween ảnh Halloween

Vài ảnh chụp lại hoạt động chuẩn bị cho tiệc Halloween, một tiệc Halloween chưa bao giờ có vì siêu bão Sandy. Vậy cho nên Halloween năm này thiếu đi những bộ trang phục đặc sắc, phong phú về đề tài của những kẻ đã lớn lên cùng lễ Halloween. Nghe phong phanh một nhận xét là Halloween là ngày lễ của những định kiến, vì bản thân mình nhìn mình như thế nào không quan trọng, quan trọng là người khác nhận ra mình là ai. An toàn nhất áp dụng triệt để mọi định kiến từ gốc đến ngọn, ví dụ ma ca rồng thì nhất định phải răng nanh, áo chùng đen và khè như rắn.

Bí khắc, khắc bí. Trái bí mắt hình trái tim, con quái vật khạc ra toàn ruột bí.

Mấy trái bị rợ cỡ nhỏ bị gọt đỉnh, moi hết ruột bí ra rồi khắc vào mắt, mũi, miệng.  Có nghệ sĩ ngẫu hứng và phá cách đã khắc nên một bức tranh chi tiết, thay vì làm đơn giản bốn lỗ mắt mũi miệng Hậu quả là lên ảnh không thấy gì, và cũng không nhớ họ đã vẽ gì, trái ở giữa, hàng trước.

Con lật đật thân hình là trái bí, đầu phù thủy, do thiếu suy nghĩ nên đã mua về, rồi chưng một góc lặng lẽ trên bàn.

Dây chuyền có mặt đầu lâu, mình về mình ngắm chứ mình không đeo. Đem cất trong hộc bàn, thỉnh thoảng lôi là vuốt cái đầu hói, thọc ngón tay vào hai hốc mắt.

Bàn chân bị đứt lìa ghê rợn, treo lủng lẳng giữa phòng. Chỗ xương gãy lòi ra còn mang nâu xỉn, tthịt lổn nhổn, máu tứa ra. Ghét nhất là sờ vào nó không cứng mà nó lại... mềm mềm =.=, móng chân lại sơn đen thẫm.

Dễ ruồi bay vô miệng.

Nhân vật nhạt nhòa kia cứ mỗi lần bước vào phòng lại thấy đang lủng lẳng/lơ lửng tại một vị trí khác.

Đám bí được vẽ cho mắt mũi miệng, phía sau là bức tường vấy máu, vết máu bắn tung tóe.

Chụp lại lần nữa cho chắc, coi có bóng sáng bí ẩn nào lù lù đó không.

Tiệc tàn. Đồ trang trí Halloween bị hốt lại vào một dĩa.

Khuôn mặt mắt lé hay trợn dọc và miệng rộng ngoác rất hay được khai thác trong phim kinh dị. Đáng lẽ google thêm một bức ảnh búp bê Halloween để minh họa ý tưởng này, nhưng thôi, tránh bị ám ảnh không cần thiết.

Hai trái thận này tự dưng xài chung một ống dẫn, làm mới nhìn tưởng là phổi. Người Mỹ có một sự ngán ngại ăn nội tạng. Cho nên ma cà rồng Edward Cullen chỉ uống máu động vật mới mê hoặc và đầy bí ẩn như vậy, trong khi không ai thấy người châu Á vẫn ăn huyết heo, huyết bò, huyết gà đều đều. Trái thận này làm bằng kẹo dẻo vẫn khiến nhiều người thấy ớn.

Căng-tin, nhà ăn ấm cúng.

Hình ảnh bí ngô mùa Halloween còn gợi nhớ đến vụ mùa, thu hoạch.

Vừa nói đến uống máu lại thấy Dracula đây.