Wednesday, November 27, 2013
Đồng Mỹ kim mệnh giá 1 triệu đô la
Ảnh chụp trong phòng Computer Lab của trường.
Vì mình không học môn Kinh Tế nên không thể bình luận gì thêm việc đồng tiền này sẽ thay đổi nền kinh tế Mỹ như thế nào (đẩy nhanh lạm phát?) :(
Saturday, November 2, 2013
Tàu điện ngầm ở New York
Bài này không có gì ngoại trừ vài hình ảnh thường thường đến tự cho là đặc sắc Thảo chụp được sau một năm làm bạn với hệ thống tàu điện ngầm ở New York. Bây giờ Thảo đi lại bằng giao thông công cộng ở New York rất thoải mái, đi đâu cũng tới, và rất cảm thấy cái thú của việc tự do trong phương tiện di chuyển.
Những chuyện tai nghe mắt thấy hay ho trong mạng lưới tàu điện của New York nhiều vô kể, nhưng không phải chuyện nào cũng thu được trên máy hình được. Ví dụ như lần Thảo bắt gặp một ông đang đọc truyện Lucky Luke trên xe điện. Đó là lần đầu tiên Thảo phát hiện một người Mỹ đọc truyện cao bồi miền viễn Tây Lucky Luke.
Còn dưới đây là những hình mau lẹ và may mắn chụp được.
Những chuyện tai nghe mắt thấy hay ho trong mạng lưới tàu điện của New York nhiều vô kể, nhưng không phải chuyện nào cũng thu được trên máy hình được. Ví dụ như lần Thảo bắt gặp một ông đang đọc truyện Lucky Luke trên xe điện. Đó là lần đầu tiên Thảo phát hiện một người Mỹ đọc truyện cao bồi miền viễn Tây Lucky Luke.
Còn dưới đây là những hình mau lẹ và may mắn chụp được.
Nhạc sĩ hát rong biểu diễn trong bến tàu điện ngầm. Hình ảnh không hề hiếm. Kèn saxophone thì hình như đây là lần đầu tiên thấy. Sau này nhìn thấy kèn đồng nhạc jazz lại thì thường là các nhóm của người da đen. Nhạc cụ khác thường thấy là guitar và Tây ban cầm cho người Mễ, harmonica và accordion (vừa nhận ra tên hai nhạc cụ đều có liên quan tới hòa âm) cho người dân nhập cư Bắc Âu, và một lần thấy đàn violin với một người Á.
Ông cảnh sát và chú chó thuộc giống chó chăn cừu Đức (German Shepard), là nòi chó được cảnh sát và quân sự yêu mến nhất. Không biết người ta vừa phát hiện ra một vụ ma túy hay sao. Hình ảnh này khiến mình cảm thấy được bảo vệ và vô cùng an tâm
Hình ảnh này không có gì đặc biệt, chỉ thấy là đường sá ở Mỹ được đánh số để dễ nhớ dễ tìm. Đôi lúc cũng chen vào một tên vĩ nhân khiến mình bối rối.
Nhìn bảng để biết tàu gì chạy qua đường ray này và chạy về hướng nào.
Người đi lên tàu điện ngầm. Nguyên tắc là đợi người trên đi xuống rồi người dưới sẽ đi lên.
Bảng Exit chỉ ra cầu thang để lên lại mặt đất, và một bảng ghi rõ mình sẽ chui lên nhằm ngóc ngách nào.
Vạch vàng an toàn nằm ở hai bên mép. Khi đứng đợi tàu điện, không được dẫm lên vạch vàng.
Nếu vì dại dột, bất cần mà ngã ra ngoài đường ray? Bên dưới vỉa hè có một khoảng hở nằm ngay vạch vàng, khi ngã xuống thì lập tức lăn vào trong phía dưới vỉa hè. Cố trèo lên lại trong lúc hoảng loạn rất nguy hiểm.
Hình ảnh này cũng cho thấy một phần rác thải ứ đọng trong hệ thống tàu điện ngầm đã rất lâu đời của New York.
Cửa tàu điện có cảm ứng an toàn như cửa thang máy. Nếu có gì ở giữa thì cửa sẽ tự động mở ra, không khép chặt lại.
Đứng chờ tàu điện ngay khúc tàu vừa chui ra khỏi hầm khá hay. Khi tàu chạy rất nhanh, tàu còn kéo theo không khí bên hông. Khi về bến, tàu phanh gấp tại, không khí bị đầy lùa về trước do quán tính, tạo ra một luồng gió thổi tung mát rượi.
Bản đồ mạng lưới tàu điện ngầm, được đặt ở khắp nơi trong bến đợi và trên toa tàu. Khi nhìn quen thì thấy rất rõ ràng và chi tiết. Hình như Thảo có đọc đâu đó là đường tàu điện ngầm không thẳng băng như thế này, nhưng trên bản đồ được vẽ thẳng, bởi khách đi tàu không quan tâm tới đường đi mà quan tâm tới điểm đến.
Một số tàu mới hơn có bản điện tử đánh dấu những bến đã đi qua và những bến sắp tới. Một số tàu cũ không có thì tự mình phải nhìn và chú ý xem đã đi đến đâu. Nếu đi quá bến, thật ra chỉ cần ra khỏi tàu, lên chuyến cùng tên nhưng chạy hướng ngược lại để quay về bến cũ.
Một ban nhạc Mexico, hát và đàn. Thảo đã muốn quay phim lại nhưng hơi ngại nên thôi. Hình như họ đang không xin ăn trong lúc này mà chỉ tiện thể chơi nhạc mua vui cho khách đi tàu. Người New York nổi tiếng thờ ơ với mọi diễn biến trên tàu điện. Người ta đã từng thí nghiệm sự thờ ơ của người New York bằng cách cho nhạc công nổi tiếng xuống biểu diễn trên tàu điện. Lí do là những chuyện khác thường đã trở thành thường ngày trong môi trường này. Có một thời điểm mà quá nhiều sự ngạc nhiên khiến con người không còn muốn ngạc nhiên nữa.
Nghe nhạc bên trong toa tàu điện ngầm rất hay. Tàu cách âm và không tạo tiếng vang. Và nghe nhạc live bao giờ cũng khiến mình ngất ngây.
Chu du bằng xe đạp, lành mạnh, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường. Những khi mệt mỏi (hoặc không có lối đi) lại mang xe xuống đi nhờ một đoạn tàu điện. Việc này mới chỉ thấy nam làm, chưa thấy nữ bao giờ. Hình như thang máy trong bên tàu chỉ dành cho người tàn tật thôi.
Người vô gia cư ngủ trong bến tàu điện. Khi trời lạnh thì dưới lòng đất khá ấm. Khi trời nóng thì dưới lòng đất khá mát. Chỉ có là cái khách sạn này tốn $2.5 cho mỗi lượt ra vào, bằng một vé đi tàu điện ở New York. Khi đã check-in rồi thì ở bao nhiêu đêm tùy thích. Người ăn xin thường hay lên xuống từng toa tàu để xin tiền khách đi xe. Ở dưới bến tàu cũng có bán đồ ăn những chỉ là kẹo, nước.
Lối đi xuống một ga tàu điện. Chỗ này nằm ở Bryant Park, một công viên nổi tiếng, đúng khu trung tâm, và đường số 42 đi xuyên qua Time Square.
Một quầy thông tin, nơi mình có thể đến hỏi (và hỏi một người sống thực sự) về tuyến đường, tàu, và bất kì cái gì liên quan tới sinh tồn trong thế giới tàu điện ngầm.
Một toa tàu điện nằm ở đường ray xương sống trong giờ cao điểm, và bạn Trung Quốc xinh xắn của Thảo.
Không có tấm nào chụp được người lái tàu điện. Lúc mới qua Thảo băn khoăn hoài, không biết tàu điện tự vận hành hay có người lái (???). Lí do là thấy công việc lái tàu hơi chán, lúc nào cũng chỉ thấy một đường hầm hun hút trước mặt, và các ga tàu điện giống y hệt nhau. Lái xe bus có vẻ còn thú vị hơn nhiều.
Hãng tôm Bubba Gump
Ngạc nhiên một đêm bát bộ ở Time Square: Hãng tôm Bubba Gump là hãng tôm có thật!!!
Thật tình là nhìn cứ tưởng mơ
Theo sử sách Hollywood ghi lại thì ý tưởng hãng tôm Bubba Gump được thai nghén từ giấc mơ sở hữu một chiếc thuyền đánh tôm của Benjamin Buford "Bubba" Blue, được sự đồng thuận và tham gia nhiệt thành của người bạn, người đồng chí, người anh em sinh đôi của anh là Forrest Gump. Viễn cảnh trong đầu Bubba là hai người bạn sống trên tàu tôm, sống bằng tôm và nghề tôm.
Không may Bubba hi sinh trong chiến tranh Việt Nam
"Sau đó Bubba nói một điều mà tôi không bao giờ quên."
"Tôi muốn về nhà."
Với ảnh hưởng là ngôi sao bóng bàn trong giải All-America, Forrest nói một lời nói dối nho nhỏ là anh thích sử dụng vợt bóng bàn Flex-o-lite, và được tặng $25,000. Sau khi sắm một vest thật oách và dẫn mẹ đi ăn một bữa thật sang tại nhà hàng, anh còn $24,562.67 để mua một chiếc thuyền dánh tôm. Anh đặt tên nó là "Jenny."
Trung úy Dan giữ lời hứa với Forrest rằng khi Forrest trở thành thuyền trưởng, ông sẽ tình nguyện làm thuyền phó.
Cơn bão Carmen năm 1974 đánh nát toàn bộ tàu đánh tôm trong khu vực, trừ duy nhất tàu Jenny. Công việc đánh bắt cực kì bội thu, Bubba Gump Shrimps Company thành công lớn, và Trunng úy Dan giảng hòa với Chúa.
Mặc dù phim Forrest Gump lượt lại những sự kiện chấn động lịch sử của nước Mỹ trong những năm 60s, 70s, sự thực ngày nay thì hãng tôm Bubba Gump lại là một nhà hàng hải sản khá lớn, ra đời bằng cảm hứng từ phim Forrest Gump.
Ước mơ của Bubba và Forrest có gì đó hơi giống với giấc mơ của George Milton và Lennie Small trong Of Mice and Men (Của Chuột và Người) của
nhà văn John Steinbeck. Với câu chuyện được đặt vào một vùng làm nông ở bang California vào thời Đại Khủng Hoảng, giấc mơ của họ là được sở hữu một mảnh đất nhỏ của riêng mình để
sinh sống và trồng trọt hoa màu, tự cung cho những nhu cầu của chính
mình. Một cuộc sống tự chủ, không chịu luật lệ của một ai. Một giấc mơ
rất Mỹ.
Forrest Gump vẫn là bộ phim Thảo thích nhất từ trước đến giờ. Số lần coi đi coi lại không còn đếm được những không bao giờ chán, vì Forrest Gump hay đến từng chi tiết, từng lời thuật hay mẩu đối thoại nhỏ. Dưới đây là bản piano của nhạc nền chính của Forrest Gump, còn gọi là Forrest Gump Theme hay The Feather Theme (nhắc đến chiếc lông đang bay), trong lúc lời hứa tập đàn vẫn treo lơ lửng.
Có một sự kì lạ là những bản cover nhạc trên YouTube mình thích thường là của người Đức cover. Hơi tiếc sự nghiệp học tiếng Đức của mình.
Subscribe to:
Posts (Atom)