Hai ngày đầu ở Minnesota, không có câu chuyện nào để kể có đầu có đuôi. Vì vậy cảm thấy không cần vắt óc ra mở bài, thân bài, kết luận. Chắc chỉ bình ảnh thôi.
Có những ảnh có lẽ cần viết lại thành bài viết riêng, nhưng hiện tại chỉ có chừng này ảnh nên đưa lên hết luôn. Thành ra bài này hơi dài dòng và không đi đến đâu. Dù sao cũng là tinh thần chung của blog: dài, nhiều ảnh, và toàn đi lạc đề.
Tất nhiên là mọi người (ở đây) ai cũng bàng hoàng vì mình "dám" từ bỏ New York City để chui về chốn không tên tuổi, khí hậu khắc nghiệt bậc nhất nước (cái lạnh ở đây ngay chính dân địa phương cũng không quen được, nghe bảo vậy). Lí do trình ra (hoàn toàn thực, chỉ có không theo thứ tự quan trọng) là: Thứ nhất là tên Minnesota theo mình là tên tiểu bang dễ thương nhất; dễ thương nhì là Tennessee. Thứ hai là các thành phố lớn đa dạng chùng tộc văn hóa hơn, trong khi vùng ngoại ô thì "Mỹ" hơn (những thành phần dân cư chiếm đa số ở Mỹ, bao gồm da trắng, tầng lớp trung lưu, đi nhà thờ; thường là cả ba). Thêm nữa là bờ đông và bờ Tây nước Mỹ mình đã tham quan nhiều (không nhiều, mới chỉ có New York, Washington DC, Seattle và Los Angeles là đi chơi đúng nghĩa đi chơi). Khu vực ở giữa vẫn còn là miền bí hiểm. Cuối cùng là mình đang mong có điều kiện và động cơ để lê thân ra ngoài chạy bộ, leo núi, trượt tuyết :).
Chỉ tiếc là những bài blog viết về điểm đến New York thu hút nhiều view hơn. Tuy nhiên muốn có chữ New York trong bài cũng không khó.
New York New York New York New York
New York New York New York New York
New York New York New York New York
Lúc máy bay hạ cánh đáp xuống Minneapolis International Airport đang ngủ nên không có ảnh. Nhắc mới nhớ, ghế máy bay của các hãng bay lớn bây giờ đã được trang bị gối đầu có thể bẻ lại thành hình chữ U, giúp cho ngủ khỏi ngoẹo cổ. Lấy tạm ảnh chụp Minneapolis, trạm transit ngày rời New York đến Seattle. Lúc đó có ủ ê một chút.
Từ trên cao nhìn xuống thủ phủ Minneapolis chỉ thấy tấm mền trắng phủ kín mít. Không lẽ chờ thấy đèn hoa như New York?
Còn loạt ảnh tiếp theo đây là ảnh lúc Minneapolis chính thức là điểm đến cuối cùng, khoảng ba tuần sau khi đợt lạnh lịch sử ở khu vực đông bắc. Nhiệt độ đo được hôm ấy là 19 độ F, tương đương khoảng âm 7 độ C. Nghe đâu một tuần trước đó xuống tới âm 50 độ F, google đổi đơn vị ra được âm 45 độ C.
Có lẽ vùng miền Trung lạnh thì dễ chịu hơn khu vực đông bắc cùng số đo nhiệt độ thật. Đúng 1 năm trước đây, mình cũng vừa đặt chân xuống 19 độ F của New York. Lúc đấy mới thấm thía thế nào là lạnh cắt da hiểu theo nghĩa đen. Lạnh đến đau rát cả mặt. Gió quất như roi mây vào bất kì phần da để sơ hở nào.
Đất trắng và người cũng rất trắng. AHA.
Thu nhập của Mr. Navorski những ngày đầu lưu lạc tại sân bay JFK là từ cái máy này đây. 25 xu thưởng cho ai có ý thức cất đặt lại xe đẩy vào đúng vị trí, vừa có mỹ quan mà vừa bảo đảm an toàn. Cũng để sân bay sạc tiếp $5 từ người khách kế tiếp cần xe đẩy.
Hôm về Seattle Thảo đã hối lộ được một bà dọn dẹp, $1 cho một xe đẩy. Thực ra người đề nghị là bà kia. Sau còn hớn hở tới mức nhiệt tình giúp Thảo vật hai cái va li từ New York về lên xe đẩy.
Hình như lần nào xuống sân bay cũng cà kê bên trong, tới khi ra tới băng chuyền thì chỉ còn chỏng chơ vài kiện hành lí cuối cùng. Hôm đó ra sớm vì sợ người đi đón chờ. Ra đến nơi phải chờ một lúc vì hành lí chưa được chuyển từ máy bay ra. Chợt để ý là người chờ lấy hành lí xếp thành một vòng tròn rộng quanh băng chuyền. Lấy được kiện thứ nhất rồi thì lui về vị trí chờ kiện thứ hai.
Tất nhiên là không khỏi nghĩ về Tân Sơn Nhất, khi mà mình tha hồ ngóc đầu nhìn qua vai các cô bác hăm hở lăm le, thấy kiện hành lí của mình quay vòng vòng mà không cách chi chen vào lấy được. Không biết ai dạy cho người ta hành vi này
Ảnh chụp đầu tiên khu down town Minneapolis qua kính trước của xe hơi.
Bạn đón Thảo là một bạn sinh viên quốc tế, người Trung Quốc, vừa đáp chuyến bay nửa vòng trái đất đến Minneapolis tối hôm qua, ngủ khách sạn một đêm để sáng đi đón Thảo. Nghe nói trường trả tiền khách sạn, nhưng cũng rất cảm động vì sự tận tụy này. Xe hơi đậu trong sân bay. Bạn có vẻ lịch sự, tử tế (nói gì thì nói, nhiều bạn Tàu lại hiền khô), học chuyên ngành Mathematics. Bạn là president của International Club của trường. Nói chung là mình nhờ được rất đúng người đi đón.
Bạn biết mình người Việt Nam nên ngỏ ý chở đi ăn nhà hàng Việt. Chạy xe tới khu downtown thì nhà hàng Việt không mở cửa. Thấy hoang mang tột độ vì nhà hàng ăn 10h30 sáng rồi vẫn chưa mở cửa. Mình đã chính thức giã từ Thành phố Không bao giờ ngủ.
Cho nên ghé vào một chợ Hồng Kông cho bạn Tàu đi chợ. Bạn hỏi mình có muốn ăn tạm Burger King không, nhưng mình cũng muốn ghé xem khu chợ Á Đông ở Minneapolis.
Chợ Á Đông ở Minneapolis khá khiêm tốn. Đi dạo một vòng, thấy giá cả những món quen mắt rất ổn, tuy nhiên không thấy rau tươi và quá nhiều loại gia vị tên chữ tàu mình không biết. Bạn Trung Quốc đến chợ này chủ yếu vì món thịt cừu. Miền Bắc Trung Quốc cũng quen ăn thịt cừu.
Bên trong nhà hàng Việt. Thảo ăn phở và bạn Trung Quốc ăn bún bò. Ngon. Hóa đơn trường trả.
Trường đại học flagship của bang Minnesota: University of Minneapolis. Trường Luật ở đây cũng khá nổi tiếng. Đọc sơ qua trên website cũng khá hấp dẫn. Chắc định mệnh đem mình lại gần Minneapolis cũng có ý đồ cả.
Bạn cũng dễ thương. Thấy Thảo đưa máy ảnh lên thì chạy chậm lại. Tuy vậy vẫn không được tấm nào ra hồn. Chụp nhiều nhưng lúc nhìn lại vẫn trắng xóa một màu nên không upload hết, sợ ngán.
Dưới đây là máy chống cảnh sát. Bạn kể mua được ở California. Mỗi khi "đánh hơi" thấy cảnh sát sẽ bíp lên cho mình. Tuy nhiên mình đồ là cảnh sát ở đây biết được cái máy này có mặt cũng mừng. Đoạn nào chạy xe đúng luật được cũng càng khỏe cho người ta.
Một cơn vừa mưa vừa tuyết trút xuống. Lái xe 2 tiếng đồng hồ trên đường tuyết phủ cũng kinh thiệt.
International Center, mới vào lần đầu, lấy giấy tờ.
Phòng kí túc xá
Phòng đôi nhưng chỉ có mình Thảo. Rộng rãi hơn phòng ở New York. St. John's mà có cái phòng như thế này chắc nhét ba người.
Bồn đánh răng, rửa mặt ở trong phòng. Phòng tắm thì là phòng tập thể.
Phòng sinh hoạt chung nhỏ.
Phòng sinh hoạt chung lớn.
Thẻ sinh viên mới cáu. Tại sao trường nào cũng chụp lúc mới đáp máy bay đường dài xong, vật vã.
Phòng học nhóm trên lầu, có cả máy in.
Đây là tòa nhà kí túc xá nhìn từ phía ngoài.
Bên trái toàn nhà kí túc xá là International Center. Chiều học về Thảo hay vào đó ngồi chơi. Có một cây đàn piano lạc phím, buổi khuya có thể vào tập và ban ngày biểu diễn.
Còn bên trái International Center là một quả đồi phủ tuyết.
Vài ảnh nữa trong trường. Thảo vẫn chưa quen được đâu là đâu.
Một chuyến tour quanh campus lần đầu và bạn hướng dẫn.
Đây là dãy phòng học và phòng hành chính chính. Tất cả các lớp học của Thảo đều nằm trong building này. Bên phải là một vườn cây và vườn tượng, chắc mùa xuân sẽ rất đẹp.
Nhìn từ đầu đường bên kia. Ảnh trên và dưới chụp lại vào một ngày nắng nên sáng rõ đẹp đẽ như vậy
Bên trong. Hôm nào sẽ làm một slide hình bên trong các tòa nhà vậy
Khá tuyệt, họ có một phòng nguyện ngay giữa tòa nhà hành chính và giảng đường.
Một điểm dừng chân không thể lí tưởng hơn giữa những giờ học căng thẳng.
Hành lang từ nhà nguyện nhìn ra ngoài.
Mẹ Teresa. Nhất quyết lấy đây làm phương châm sống của chính mình. Bấm vô hình để đọc cho trọn vẹn nghe.
Phòng tuyển sinh
1/6 của hội trường này là quán cà phê.
Tòa nhà thư viện. Thư viện không lớn như của St. John's nhưng đẹp hơn, mở cửa lâu hơn mỗi ngày, có nhiều ghế ngồi học bài hơn, và môi trường đọc sách khiến mình ưng ý hơn.
Thật kì là là một năm rưỡi ở New York mà lại lỡ hẹn với New York Public Library. Ghi thêm vào danh sách Lỡ hẹn New York. New York Public Library có phòng đọc sách lớn với kiến trúc Gothic, đèn chùm rực rỡ và bộ sưu tập đồ sộ các sách quý đông tây kim cổ. Tuy nhiên một thư viện nhỏ nhắn như vậy là phù hợp với nhu cầu của mình. Họ còn có cả báo New York Times. Những tưởng chia tay với New York là chia tay với New York Times, không ngờ duyên số còn vấn vương.
Thư viện ở đây còn hơn St. John's ở chỗ họ đầu tư cho một kệ sách mới và truyện tiểu thuyết của những nhà văn đến giờ vẫn chưa qua đời. Ngày đầu ngồi đọc ở đây còn vớ được quyển
A Kiss Before Dying của Ira Levin bằng tiếng Anh.
A Kiss Before Dying thuộc loại truyện trinh thám để đọc đi đọc lại để nhấn nhá, say sưa với từng chi tiết. Trong máy tính còn lưu lại bản dịch, tên là
Cái hôn của tử thần nếu Bảo thích đọc một câu chuyện thuộc hàng kinh điểm. Bản dịch tuyệt vời, mặc dù còn thiếu sót đôi chỗ. Đọc lại lần này còn nhận ra được những từ ngữ trong môi trường đại học Mỹ và những địa danh nổi tiếng của New York City. QUÁ ĐÃ.
Đây là tòa nhà Student Center, có căng tin, phòng thư và bàn bóng bàn, billiard.
Một chuyến đi quanh thành phố. Cây cầu nhìn thấy thấp thoáng qua cửa kính kia nối liền tiểu ban Wisconsin với tiểu bang Minnesota.
Ghé ngang qua một công viên phủ băng. Kể ra thì rừng cây mùa tuyết phủ ở nơi đây (không nhất thiết là thông) đẹp như thế giới thần tiên của Andersen (ảnh chụp không lột tả được cho xứng đáng, do lạnh quá nên tay trong túi nào, không chụp hình). Khung cảnh làm gợi nhớ đến hai câu chuyện
Bà Chúa Tuyết và
Nữ thần băng giá, lấy bối cảnh ở Na Uy và Phần Lan.
Vùng màu trắng rất rộng bên dưới kia là sông Mississippi. Đối với mình thì hệ thống sông lớn nhất nước Mỹ này gắn với 2 cái tên: Tom Sawyer và Lucky Luke.
Một bàng thông tin khắc đá bị tuyết trùm lên. Không nhớ là người ta lấy tay phủi hay lấy gót giày phủi. Bên trên giới thiệu Winona là tên của một nàng công chúa Ấn Độ. Hay là tiếng Ấn Độ cho chữ "công chúa" quên rồi. Mà sao lại dính tới Ấn Độ ở đây?
Các trường Mỹ rất hào hứng với học sinh quốc tế, đến nỗi họ giống như không nhận ra mình cũng hào hứng với văn hóa Mỹ y như vậy. Họ thích xếp các học sinh quốc tế với nhau.
Bạn da trắng đứng cạnh Thảo đến từ Thụy Điển. Bạn cao 1m90. Hiện tại trong ảnh đang khuỵu chân cho thấp xuống, gọi là nhìn thế giới qua một góc nhìn của người Á Châu. Không thì Thảo cao chưa chạm đến vai bạn. Đêm tụ họp hôm đó, mọi người có mặt học về đất nước Thụy Điển từ đại sứ Thụy Điển này nhiều hơn tất cả các đại sứ văn hóa có mặt ở
đó (học nhiều nhì từ các nhà đại sử Ả rập, con trai các nhà tài phiệt dầu lửa, lái xe Mustang đi party), bởi vì bạn nói chuyện có duyên và tự tin, hào hứng quá. Bạn ấy có một kiểu tính cách điển hình, thường thấy là nói mà không bối rối khi nhận ra người khác đang nghe (không như mình). Sau một thời gian sống ở nước ngoài, mình nhận ra phải là người đi nhiều, sống nhiều ở các nền văn hóa khác nhau, thì mới đam mê kể các câu chuyện về đất nước của chính mình như vậy được. Vì đi nhiều mới nhận ra khác nhau chỗ nào để kể chứ, và bạn này đã đi gần hết châu Á và châu Âu. Một vài fun facts về đất nước Thụy Điển mà sau 1 tuần vẫn còn nhớ được.
(May mà khu vực Bắc Âu đã được mình dòm ngó nhiều, từ ABBA, Michael Learns to Rock, tới Andersen, và Joisten Gaarder- tác giả của
Sophie's World, không bị nhầm Thụy Điển với Thụy Sĩ như mọi người)
- 1m90 ở Thụy Điển chỉ là cao trung bình. Tất nhiên mình cũng nhớ Michael Learns to Rock cao như thế nào.
- Theo Thảo thì do đất nước lạnh qua nên phải vươn lên cao đến mặt trời cho ấm. Còn bạn giải thích là do chế độ ăn giàu protein và ít đường bột. Dân Bắc Âu chỉ ăn nhiều thịt cá cho no mòng ra, hạn chế ăn gạo, mì, khoai tây.
- Bạn chọn Minnesota vì khí hậu ở đây gần như là anh em song sinh của Thụy Điển.
- Một trò chơi mà dân vùng cực cực kì đam mê mà mình đã quên tên. Vào mùa đông, bọn họ chui vào một căn nhà gỗ dựng gần bờ sông. Căn nhà kín mít, ở giữa có một lò sưởi hoạt động hết công suất. Ngồi cho đến khi nóng không chịu nổi thì chạy ù ra ngoài trời, nhảy xuống bơi nơi dòng sông băng ngay cạnh đó. Nghe nói chơi trò này cực tốt cho sức khỏe (so với việc vào phòng tắm vặn vòi nước từ nóng sang lạnh thì còn được bonus thêm chút vận động và không khí trời). Bạn kể có vài người bạn Trung Quốc đã cực sốc khi chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục này, sau khi thử lại đâm ra ghiền, cứ thế suốt ngày làm tiên cá.
- Thụy Điển cũng là một trong những quốc gia có dân cư khỏe mạnh nhất. Một mặt hàng được họ ưa dùng là nicotine gum, giống như kẹo ngậm có chứa chất nicotine trong thuốc lá, khi kẹp vào môi chất nicotine sẽ tìm đường và trong mạch máu. Hộp trong hình dưới đây mua ở Walmart, là sản phẩm của Đan Mạch, và bị bạn Thụy Điển chê là chưa đủ đô. Nicotine gum cũng được dùng cho người cai thuốc lá. Mặc dù không phải lần đầu nghe tới nicotine gum, nhưng có hay không khi mà bài viết về nicotine gum trên Wikipedia chỉ có 6 thứ tiếng: Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Catalonia (quốc gia Nam Âu) và Ả rập. Thảo vẫn dùng Wikipedia để kiểm tra độ phổ biến của một khái niệm. Ví dụ ông nhà triết học châu Âu nào có cả bài Wikipedia tiếng Việt nữa thì chắc là vai trò tầm cỡ lắm.
- Bằng lái xe của Thụy Điển được chấp nhận tại tất cả mọi nơi trên thế giới, đơn giản vì cực kì khó đạt tiêu chuẩn. Ở Đan Mạch có chuyện nữ Thủ tướng cũng đi xe đạp, thì chắc ở Thụy Điển cũng vậy. Có lần mình đã dùng Google Maps đi ngao du phố sá của Copenhagen, thấy các bờ tường đen thui xe đạp dựng. Nhà nước còn cản trở việc lái xe của công dân bằng cách làm cho giá xe hơi mắc cắt cổ, bời vì...
- chính phủ đánh thuế trên trời tất cả các mặt hàng, có lúc lên tới 50%, tất cả ngoại trừ mặt hàng sách. Người Thụy Điển đến Mỹ thì như bước vào khu đại hạ giá. Một ly cà phê Thụy Điển giá gấp 4 lần Mỹ, bù lại...
- Trợ cấp xã hội ở Thụy Điển đủ cho người ta sống phủ phê. Cho nên (theo bạn kể), ở Thụy Điển có rất đông những người không đi làm mà sống dựa vào Nhà nước. Đấy chính là lí tưởng xã hội chủ nghĩa đã được thực hiện hóa ở các quốc gia Bắc Âu, càng mỹ mãn hơn nữa bởi vì...
- Giáo dục và bảo hiểm
sức khỏe ở Thụy Điển cũng miễn phí cho toàn dân. Như vậy mặt lật ngược của chế độ được hạn chế, bởi trong một môi trường tuyệt vời như thế này, ai chẳng muốn học tập, lao động (nhất là người ta vẫn nghĩ là học tập và lao động cho bản thân). Tuy nhiên...
- để vào được
Đại học cực kì khó. Ở đây khá giống ở Đức, nơi mà trẻ con lớp 5 trở lên đã được tách ra làm 2 nhóm học riêng, một học nghề và một học để lên đại học, hay là chương trình phân chia A Level, O Level của Anh; và theo Thảo thì khác tư tưởng của giáo dục Mỹ. Ở Mỹ người ta tin vào
cạnh tranh trong giáo dục và equal opportunity hơn. Có lẽ những ai không
vào được đại học châu Âu thì Mỹ mở cửa đón chào, bởi vì...
- Visa Mỹ cấp cho người Thụy Điển kéo dài đến 4 năm. Của mình là 1 năm.
- Kể về quan hệ quốc tế: ngày xưa vương quốc Thụy Điển chạy từ Na Uy sang Phần Lan và xuống tới Đan Mạch. Sau đó Phần Lan bị Nga chiếm. Na Uy dành được độc lập. Sau đó Thụy Điển "nhập khẩu" vua từ Pháp.
- Theo bạn thì Hoàng tử Thụy Điển đối với bạn như là friend of a friend, bởi vì đất nước 9 triệu dân và hầu như tất cả mọi người đều tập trung về thủ đô Stockholm. Thế là khi có người đòi gặp mặt chàng Hoàng tử thì bạn móc điện thoại ra.... tưởng cho số điện thoại, ai dè chỉ là để search hình chàng. Ôi zời.
- Theo bạn thì vai trò của hoảng gia nơi đây như vật làm kiểng và, chừng nào họ tạo được scandal thì vui.
- Quán quân môn bóng bàn thế giới là Trung Quốc, còn Á Quân là Thụy Điển.
- Thụy Điển nằm trong EU và vẫn sử dụng đồng tiền riêng của mình là đồng crown.
- Bạn không thích ABBA (=.=) nhưng đã đến tất cả các concert của ban nhạc Green Day. Green Day là ban nhạc rock người Mỹ những thích lưu diễn ở châu Âu (=.=)
Bạn Gabriela đến từ Columbia 1 học kì để học tiếng Anh. Bạn rất xinh. Quả là vùng đất Nam Mỹ nổi tiếng về các hoa hậu và cầu thủ bóng đá.
Ảnh các học sinh quốc tế mới treo trên tường.
Tạm thời không nghĩ ra được cái gì hay ho để nói về bản thân mình.