Một năm trôi qua cũng phải thêm được chút gì chứ. Dù có giết chết một tuyệt tác văn học bằng việc chuyển ngữ, thì cũng giúp mình luyện tiếng Việt
NGƯỜI CON GÁI CỦA RAPPACCINI
Từ lâu lắm rồi, một chàng trai trẻ, Giovanni Guasconti, đến nơi này từ tận miền nam nước Ý để theo học trường Đại Học Padua. Tài sản quý giá của chàng không có gì ngoại trừ một nắm vàng trong túi áo. Chàng trọ trong một căn phòng ảm đạm nằm sát tầng thượng một căn biệt thự đồ sộ có cái vẻ từng là lâu đài thuộc về một nhà quý tộc Padua. Quả thực trên cánh cửa ra vào vẫn còn khắc nhiều rất nhiều huy hiệu của một gia tộc đã từ lâu tuyệt giống. Chàng trai lạ mặt, chẳng phải không có học thức về nền văn học nước nhà, nhớ lại rằng một người tổ tiên của chàng, có lẽ cũng là chủ nhân của tòa lâu đài này, đã được Dante lấy làm hình mẫu khắc họa kẻ gieo rắc thống khổ trong tuyệt phẩm Inferno. Tất cả liên tưởng ấy, cộng với nỗi bồi hồi của một chàng trai trẻ lần đầu xa nhà, khiến Giovanni đánh tiếng thở dài nặng nề khi chàng đưa mắt nhìn quanh căn hộ lẻ loi và trống huơ trống hoác.
“Lạy Đức Mẹ đồng trinh!” bà vú già Lisabetta thốt lên. Rất ấn tượng với vẻ đẹp đến choáng ngợp của chàng trai trẻ, bà sẵn sàng nán lại giúp vui cho chàng “Một tiếng thờ dài như vậy sao lại có thể đến từ miệng của một chàng trai trẻ? Chàng nghĩ căn nhà này u buồn lắm chăng? Hãy nhìn ra cửa sổ, và chàng sẽ thấy mặt trời cũng rực rỡ như khi chàng đã bỏ lại ở Naples vậy.”
Guasconti máy móc làm như được bảo, nhưng cảm thấy không thể đồng ý với bà lão rằng mặt trời ở Paduan cũng tươi vui như ở miền Nam nước Ý. Dù sao thì ánh nắng này cũng ngập tràn trên khu vườn ngay bên dưới bệ cửa sổ, nơi sinh sống vô số các loài thực vật dường như đã được chăm sóc với độ tỉ mỉ đặc biệt.
“Khu vườn này cũng thuộc về căn nhà ư?” Giovanni hỏi.
“Lạy Chúa lòng lành, trừ khi khu vườn ấy đầy những thảo mộc lành mạnh hơn mọi thứ cây cỏ trong này.” bà Lisabetta trả lời “Không, khu vườn này được gây dựng bởi chính bàn tay của ngài Gaicomo Rappaccini, vị bác sĩ lừng danh mà tôi dám bảo có tiếng tăm vang đến tận Naples. Người ta đồn rằng ông ta chiết xuất từ các thứ cây này các loại y dược mạnh tựa như bùa chú. Thường thì chàng sẽ thấy vị bác sĩ làm việc, và đôi khi cả con gái người đang nhặt hái những bông hoa lạ lùng mọc trong khu vườn.”
Bà quản gia giờ đã làm mọi thử có thể cho căn phòng, sau khi cầu chúc cho tất cả các vị thánh phù hộ chàng trai trẻ, đã cáo lui.
Giovanni vẫn không tìm được gì đáng làm hơn là nhìn ngắm khu vườn bên dưới. Từ vẻ ngoài, chàng đánh giá đấy là một trong các khu vườn thí nghiệm có nguồn gốc xa xưa trên đất Padua hơn là bất kì nơi nào khác trong lãnh thổ nước Ý hay trên cả thế giới. Hay là nơ đây đã một thời dùng làm nơi tiêu khiển cho một gia đình giàu có. Bởi rằng ngày giữa trung tâm khu vườn là đống đổ nát của một thác nước cẩm thạch, chạm khắc bởi những hình dáng lạ lùng, nhưng vỡ nát một cách đau lòng, khiến cho không thể nào nhận dạng hình thiết kế ban đầu từ những mảnh vỡ còn sót lại. Thế nhưng ngòi nước vẫn tiếp tục phun lên, phản chiếu ánh nắng lấp lánh tựa hồ rất vui vẻ. Một chút tiếng nước róc rách vang đến tận khung cửa sổ của chàng trai trẻ, khiến chàng hình dung thác nước này như một linh hồn bất tử, mãi mãi hát lên bài ca bất diệt, không hề lưu tâm đến mọi biến cố thăng trầm xung quanh, khi mà từng thế kỉ trôi qua để lại dấu ấn hủy diệt lên đá cẩm thạch và mọi hình khắc trang trí. Xung quanh cái hồ nơi thác nước trồng muôn ngàn hoa thơm cỏ lạ, dường như là những loại cần thật nhiều hơi nước mát lành để nuôi dưỡng những cái lá khổng lồ, hay ở những cây khác là những bông hoa đẹp kì vĩ. Đặc biệt nhất là một cây trồng trong chậu cẩm thạch đặt ngay giữa hồ, nơi đó trổ những bông hoa tím, lộng lẫy và sáng chói tựa như những viên ngọc quý, hết thảy tạo thành một khung cảnh ấn tượng đến mức đủ khiển cả khu vườn sáng bừng kể cả khi mặt trời đã khuất bóng. Mỗi tấc đất chen chúc các loài cây cỏ, dù có kém tươi đẹp thì vẫn mang cái vẻ được chăm chút vô cùng kĩ lưỡng, cảm giác như mỗi cây hoa đều mang một phẩm chất đặc biệt của riêng mình, và bộ óc của nhà khoa học chăm sóc chúng hiểu rất rõ. Một số cây được trồng trong những cái bình cổ ngoằng nghoèo những hình khắc, một số khác trong những chậy cây thông thường. Một số bò trườn như rắn trên mặt đất, hoặc cố bám để leo lên cao, cuốn lấy bất kì vật gì trong tầm với. Một cây dây leo đã cuốn mình quanh bức tượng thần Vertummus, làm cho bức tượng giờ được bao phủ bởi nhiều tầng lá xanh, một sự sắp xếp tài tình đến nỗi khiến cho bức tượng đáng được đem làm tài liệu giảng dạy được.
Giovanni hãy còn nán lại bên cửa sổ khi chàng cảm giác có tiếng lá cây xào xạc và nhận thấy có người đang làm việc trong vườn. Hình dáng của người đàn ông dần lọt vào thầm mắt, cho thấy rõ ràng không phải là một người làm vườn bình thường. Ông ta cao nhưng gầy hốc hác, vàng bủng và trông bệnh hoạn, khoác màu áo choàng đen của học giả. Ông đã quá tuổi trung niên, tóc xám và chòm râu thưa, với khuôn mặt hằn vẻ trí thức, nhưng hẳn chưa bao giờ, kể cả trong những ngày trai trẻ, từng gợi lên chút ấm áp thật lòng nào.
Không gì có thể bì được với sự căng thẳng của nhà khoa học này khi ông ta chăm chú xem xét từng nhánh cây chìa ra trên lối đi: có vẻ như ông nhìn xuyên thấu vào bản chất tự nhiên sâu xa nhất của chúng, giám sát từng đặc điểm kiến tạo, và cố gắng giải mã tại sao chiếc lá này mọc thành hình thù như vậy và cái kia thì không, và từng khác biệt chi li vè mùi hương và hình dáng cánh giữa những bông hoa cùng loài. Ngoài sự hiểu biết và vẻ trí thức sâu sắc, không hề có một động chạm thân mật nào giữa ông và đám thực vật kia. Ngược lại, ông tránh tuyệt đối mọi tiếp xúc với chúng, một sự né tránh đập vào mắt Giovanni hết sức khó chịu. Bởi sự ghê tởm ấy đến từ con người đang đi giữa những luống hoa kiều diễm, tựa như đang đề phòng ác thú, rắn đôc hay quỷ dữ, mà chỉ một giây lơ là thì hậu quả sẽ khôn lường. Đáng sợ thay là bầu không khí bất an ấy lơ lửng xung quanh kẻ đang chăm một khu vườn, cái thú tiêu khiển lành mạnh nhất của người bình thường, một thứ mô phỏng công việc và niềm vui của Đấng kiến tạo. Phải chăng, phải chăng đây là vườn Địa Đàng của thế giới hiện đại này? Và con người này, với ám ảnh nhận thức về những thứ độc địa do chính bàn tay ông ta tạo nên,-- phải chăng đây chính là Adam?
Con người hoài nghi này, khi ông ngắt những chiếc là úa hay cắt tỉa những nhánh cây thừa thãi, bảo vệ đôi tay bằng một cặp găng dày. Cảm thấy trang bị như vậy hãy còn chưa đủ. Khi bước ngang qua khu vườn đến chỗ cái cây kiêu sa treo những viên ngọc tím, ông kéo lên mặt một thứ mặt nạ che kín miệng và mũi, cứ như hết thảy vẻ đẹp kia che đậy một thứ quỷ quyệt chết người. Cảm thấy việc làm ấy cũng quá nguy hiểm, ông ta giật ngược lại, gỡ bỏ chiếc mặt nạ và gọi lớn bằng chất giọng khàn đục của một kẻ bệnh tật, “Beatrice! Beatrice!”
“Con đây, thưa cha. Có việc gì chăng?” một giọng trẻ trung vọng ra từ cửa sổ bên ngôi nhà đối diện, sống động tựa như ánh mặt trời vùng nhiệt đới, giọng nói khiến Giovanni nghĩ đến, mặc dù chàng không hiểu tại sao, một màu đỏ tía và tím thăm thẳm, và không gian đậm đặc mùi nước hoa nồng. “Cha ở trong vườn ư?”
“Phải, Beatrice,” người làm vườn trả lời, “và ta cần con giúp.”
Liền sau đấy hiện ra dưới cánh cổng chạm hình dáng một người con gái, một người con gái đánh động mạnh mẽ đến mọi giác quan tựa như những đóa hoa tươi thắm nhất, đẹp như sáng ngày, với những đường cong mềm mại và rõ nét đến nỗi một chút e ấp cũng là quá nhiều. Nàng trông tràn trề sinh lực; thế nhưng tất cả những đặc điểm ấy, trong sức xuân hừng hực của nàng, được kìm xuống như con ngừa hãm cương bởi vòng tròn trinh trắng và thánh thiện bao quanh nàng. Về phía Giovanni, có lẽ mọi tư tưởng của chàng đã nhuốm một màu u ám, bởi ấn tượng trong mắt chàng về người con gái xinh đẹp lạ lùng kia là như thể nàng cũng là một đóa hoa, một người chị em mang hình dáng con người của đám thực vật kia, mặc dù tươi thắm hơn cả những bông đẹp nhất, nhưng chỉ có thể được chạm vào qua một lớp găng tay và không thể tiến lại gần nếu không trang bị một chiếc mặt nạ. Khi Beatrice rảo bước trên những lối đi, có thể thấy rằng nàng mơn trớn và hít căng mùi hương từ những cây hoa mà người cha nàng đã tránh như tránh tà.
“Beatrice,” người cha nói, “xem xem bao nhiêu liều mới đủ cho của báu của chúng ta. Cằn cỗi như ta đây, cái mạng ta sẽ phải trả giá đắt nếu ta tiến lại gần nó như nó đòi hỏi. Vì thế, ta sợ rằng phải giao phó nó hoàn toàn cho con.”
“Con rất vui lòng được làm như cha bảo,” cái giọng sống động ấy lại thốt lên khi nàng cúi xuống cái cây hoa đẹp lộng lẫy và vòng tay ôm lấy nó. “Phải, em gái ta, điều kì diệu của ta. Beatrice của em sẽ là người chăm sóc và nuôi dưỡng em. Đổi lại, em sẽ ban cho ta những nụ hôn và hương thơm của em, thứ mà đối với ta tựa như hơi thở của cuộc sống.”
Và rồi, với tất cả trìu mến trong cử chỉ khiến cho lời nói của nàng quả thật không có chút phóng đại nào, nàng đắm mình bận bịu với việc chăm cho cái cây kiểng mọi sự quan tâm chăm sóc mà nó đòi hỏi. Và Giovanni, từ khung cửa sổ cao ngất, đưa tay dụi mắt và tự hỏi đấy là người con gái chăm cho cái cây kiểng nàng yêu thích nhất, hay là người chị lớn nâng niu em nhỏ với tất cả yêu thương. Khung cảnh ấy cũng nhanh chóng tan rã. Bởi vì hoặc là Tiến sĩ Rapaccini đã hoàn tất công việc trong vườn, hoặc là đôi mắt đôi mắt cảnh giác của ông đã thoáng thấy chàng trai lạ mặt, mà ông khoác tay cô con gái bước vào nhà. Đêm tối khép lại, và mùi hương hoa ngạt thở dường như tìm đường lên trên xuyên qua khung cửa sổ mở. Gianovanni bước về chiếc ghế tràng kỉ dài và mơ về hoa và người trinh nữ. Hoa và trinh nữ thực không mấy khác nhau, cả hai đều ẩn chứa một mối tai ương tiềm ẩn.
Thế nhưng ánh sáng ban ngày bao giờ cũng có khuynh hướng điều chỉnh lại những sai lầm của trí tường tượng lẫn óc phán đoán, hai thứ dễ bị đánh lừa trong bóng tối sau phút hoàng hôn, hay trong thứ ánh sáng nhạt nhòa của vầng trăng. Việc chàng làm đầu tiên sau khi vừa thức dậy là bật tung cửa cánh cửa sổ nhìn xuống khu vườn, nơi đã gieo trong giấc mơ chàng đầy những hạt bí ẩn. Chàng thấy ngạc nhiên và có chút xấu hổ khi nhìn thấy mọi vật rất đỗi thực tế và bình thường. Khi những tia nắng ban mai chiếu xuyên qua những hạt sương đọng trên lá và những cánh hoa, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của những bông hoa quý hiếm, và cũng mang chúng trở lại bên trong ranh giới của những gì tự nhiên. Chàng trai trẻ vui mừng rằng trong lòng tỉnh lẻ nghèo nàn, chàng có được cái đặc ân là góc nhìn vào khu vườn sang trọng và đáng yêu này. Nó đối với chàng, chàng tự nhủ, sẽ như là hiện thân của thiên nhiên. Ngài tiến sĩ bệnh hoạn Giacomo Rappaccini lẫn cô con gái xinh đẹp của ông đều không hiện diện; cho nên Giovanni chưa thể kiểm chứng xem những phẩm chất chàng nhận ra ở họ là thật hay chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng; nhưng chàng quyết tâm đánh giá mọi vấn đề theo cách khách quan nhất.
Trong ngày hôm ấy, Giovanni đến thăm giáo sư Pietro Baglioni, giáo sư y học ở trường, một bác sĩ rất có tiếng tăm và địa vị. Vị giáo sư là một người lớn tuổi có cung cách vui vẻ, dễ chịu. Ông giữ chàng trai trẻ lại dùng bữa tối và khiến chàng hết sức tự nhiên, thoài mái bằng tài ăn nói lôi cuốn và phóng khoáng, đặc biệt khi các cuộc đối thoại được làm nóng bằng vài cốc rượu Tuscan. Giovanni, đoan chắc rằng hai nhà khoa học, sống cùng một thành phố hẳn phải quen biết nhau, nhân cơ hội này nhắc đến tên Tiến sĩ Rappaccini. Nhưng vị giáo sư không trả lời với chút hào hứng nào như chàng đã mong đợi.
“Chẳng có nhà y sĩ chân chính nào mà không biết và ca tụng tài năng như Rappaccini,” ông trả lời, “Thế nhưng mặt khác, lương tâm ta không cho phép một chàng trai trẻ sáng giá như cậu, Giovanni, con trai của một người bạn lâu năm của ta, có phải cái tư tưởng sai lầm rồi đâm ra sùng bài một kẻ có thể đang rình rập cơ hội để nắm lấy tính mạng cậu trong bàn tay hắn. Sự thật là Tiến sĩ Rappaccini đáng kính của ta cũng chỉ có hiểu biết sâu rộng về khoa học ngang ngửa với bất kì thành viên nào trong hội đồng trường Y khoa đại học của chúng ta-- có lẽ trừ duy nhất một ngoại lệ-- ở Padua hay trên cả nước Ý; tuy thế cũng có những ý kiến phản đối gay gắt về đạo đức y học trong hành vi của ông ta.”
“Chính xác là họ nói gì?” chàng trai trẻ hỏi.
“Anh bạn Giovanni của ta đang mạng bệnh tật trong thể xác hay tâm hồn gì chăng, mà chàng bỗng nhiên tò mò về các nhà y học thế?” giáo sư mìm cười. “Người ta đã nói rằng—và chính tôi đã biết ông ta rất rõ nên có thể kiểm chứng-- ông ta đặt khoa học lên trên nhân loại. Các bệnh nhân của ông ta chỉ gây hứng thú cho ông ta như đối tượng trong một thí nghiệm mới. Ông ta sẵn sàng hi sinh bất cứ cái mạng nào, kể cả của chính ông ta, hoặc bất kì điều gì thân thương nhất, với cái giá là một hạt muối thêm vào trong biển kiến thức khoa học của ông ta.”
“Một con người khủng khiếp,” cháng Guasconti nhận xét, mường tượng trong đầu hình ảnh Rappaccini lạnh lẽo và thuần lí tính. “tuy vậy, thưa giáo sư khả kính, chẳng phải cũng cao thượng lắm ư? Có bao nhiêu người có được sự sùng bái đối với khoa học như vậy?”
“Lạy Chúa lòng lành,” vị giáo sư trả lời, có vẻ phật ý “ít nhất người ta cũng nên mang những quan niệm về đạo đức Y học đúng đắn hơn là hắn. Còn đối với hắn, cái lí thuyết của hắn là hết thảy đạo đức đều gói gọn trong mớ độc dược chiết xuất từ thực vật của hắn. Những thứ cây cỏ này hắn tự tay gây trồng, và từ đó đã bào chế hàng loạt các phân loại độc dược mới, mà tính giết chóc còn kinh khủng hơn bất cứ sản phẩm nào của Tự nhiên. Nếu không không phải do chính tay hắn bảo quản cẩn thận, những hóa chất này hẳn đã gieo rắc tật nguyền khắp thế giới. Sự thực thì hắn cũng chưa gây ra mối họa nào tương xứng với cái nguy hiểm tiềm tàng trong những hóa chất ấy. Hơn nữa phải thú nhận rằng đôi lúc hắn cũng bào chế nên được những liều thuốc giải mạnh mẽ, mặc dù cũng chẳng đáng kể công gì mấy,-- tất cả chỉ do may mắn mà thôi, -- nhưng hắn đáng nhận lãnh trách nhiệm cho những thất bại của chính mình, đó mới trăm phần là thành quả của chính hắn.”
Chàng trai trẻ hẳn đã tiếp thu những lơi từ Baglioni một cách độ lượng hơn, nếu chàng biết được rằng từ lâu đã có một cuộc ganh đua khốc liệt giữa Baglioni và tiến sĩ Rappaccini, mà cái người thứ hai thường được xem là kẻ thắng thế. Nếu độc giả của tôi muốn tự mình phán xét, tôi để nghị bạn tham khảo những lá thư hằn thù từ cả hai phía, giờ vẫn còn được lưu giữ trong phòng Y Dược của trường Đại học Padua.
“Tôi không không rõ, thưa ngài giáo sư có học vị cao cả,” Giovannisau nói, sau một hồi ngẫm nghĩ về Rappaccini và lòng sùng bái đối với khoa học của ông ta, “tôi không rõ vị bác sĩ này yêu cái khoa học của ông ta đến cỡ nào, nhưng chắc chắn có một thứ ông ta sủng ái hơn cả. Ông ta có một cô con gái.”
“A ha!” vị giáo sư cười lớn. “Vậy là bí mật của chàng Giovanni nhà ta đã lộ tẩy rồi. Cậu đã nghe nói về cô gái nhà Rappaccini, người khiến cho tất cả trai trẻ ở Padua phát cuồng, mặc dù mới non nửa tá có cơ hội nhìn cho rõ khuôn mặt cô ấy. Tôi thú thật chẳng biết gì nhiều về cô Beatrice, ngoài chuyện cha cô đã dạy cô mọi điều về khoa học. Rằng dù tiếng trẻ trung và xinh đẹp tuyệt trần, cô ta đủ uyên thâm để chiếm hắn một ghế giáo sư. Dám cha cô nhắm cô vào cái ghế của tôi lắm. Những thứ tin đồn thất thiệt ấy, chẳng đáng nghe cũng chẳng đáng bàn tới. Ta dốc cạn ly lachryma này thôi, cậu Giovanni”
Guasconti quay về chỗ trọ của mình, thân thể nóng bừng vì rượu khiến cho đầu óc chàng đong đưa quanh những hình ảnh gợi nhớ đến Tiến sĩ Rappaccini và nàng Beatrice `. Trên đường về, chàng ghé vào tiệm hoa, mua một bó hoa tươi.
Trèo lên đến căn hộ của mình, chàng chọn một chỗ ngôi bên cửa sổ, nhưng cần thận nấp vào sau bóng bức tường, khiến cho chàng có thể quan sát khu vườn bên dưới mà không bị phát giác. Mọi vật dưới tầm mắt của chàng hoàn toàn bất động. Những cây hoa dị thường đang tắm mình trong ánh nắng, lại gật đầu nhè nhẹ với nhau như đám bạn bè thâm tình. Trong đám hơi nước mờ quanh thác nước vỡ, cái cây kiểng cực kì diễm lệ nặng trĩu những viên đá tím rực sáng trong không gian, soi bóng xuống mặt nước hồ, Nhưng tôi đã kể, khu vườn là một khung cảnh tĩnh mịch. Thế nhưng không lâu sau, đúng như Giovanni vừa hi vọng vừa lo sợ, một bóng người xuất hiện bên dưới chiếc cổng chạm kiểu cổ, lướt vào giữa những luống hoa, uống lấy uống để mùi thơm của chúng, cứ như thể nàng là một trong những nhân vật thần thoại sống nhờ vào hương hoa.
Nhìn thấy Beatrice lần nữa, chàng trai trẻ sững sờ nhận ra rằng sắc đẹp của nàng còn vượt quá hình dung trong trí nhớ của chàng. Thật sắc nét, thật yêu kiều, nàng như bừng sáng trong ánh nắng, và, như Giovanni nhận xét thành tiếng với chính mình, dường như còn rọi sáng những góc có bóng râm trong khu vườn. Khuôn mặt nàng trông thư giãn và biểu cảm hơn dịp trước, làm chàng sững sờ vì vẻ hồn nhiên và ngọt ngào toát ra từ nó,-- những phẩm chất mà chàng không hề ngờ tới nơi nàng, nó khiến chàng tự hỏi câu hỏi muôn thuở rằng nàng thuộc giống người nào. Chàng cũng không khỏi nhận ra, hay mường tượng, điểm tương đồng đáng ngạc nhiên giữa người thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần với cái cây kiếng đang nở từng bông hoa tựa những viên đá quý bên ngòi nước,-- một sự sao chép còn được làm rõ thêm giữa những họa tiết trên chiếc váy nàng và sự sắp xếp của những bông hoa trong chậu.
Tiến đến gần cái cây kiểng, nàng dang rộng vòng tay với một cái ôm nồng đượm, gần gũi đến nỗi những khuôn mặt nàng vùi vào vòng lá dày và những lọn tóc quyện vào những đóa hoa.
“Hãy ban cho ta hơi thở của em,” Beatrice thốt lên; “Ta héo hon, nhợt nhạt vì không khí thường. Hãy cho ta nụ hoa này của em, ta sẽ ngắt với những ngón tay nhẹ nhàng nhất, và đặt nó vào thật gần nơi trái tim ta."
No comments:
Post a Comment