Pages

Wednesday, November 27, 2013

Đồng Mỹ kim mệnh giá 1 triệu đô la


Ảnh chụp trong phòng Computer Lab của trường.

Vì mình không học môn Kinh Tế nên không thể bình luận gì thêm việc đồng tiền này sẽ thay đổi nền kinh tế Mỹ như thế nào (đẩy nhanh lạm phát?) :(

Saturday, November 2, 2013

Tàu điện ngầm ở New York

Bài này không có gì ngoại trừ vài hình ảnh thường thường đến tự cho là đặc sắc Thảo chụp được sau một năm làm bạn với hệ thống tàu điện ngầm ở New York. Bây giờ Thảo đi lại bằng giao thông công cộng ở New York rất thoải mái, đi đâu cũng tới, và rất cảm thấy cái thú của việc tự do trong phương tiện di chuyển.

Những chuyện tai nghe mắt thấy hay ho trong mạng lưới tàu điện của New York nhiều vô kể, nhưng không phải chuyện nào cũng thu được trên máy hình được. Ví dụ như lần Thảo bắt gặp một ông đang đọc truyện Lucky Luke trên xe điện. Đó là lần đầu tiên Thảo phát hiện một người Mỹ đọc truyện cao bồi miền viễn Tây Lucky Luke.

Còn dưới đây là những hình mau lẹ và may mắn chụp được.

Nhạc sĩ hát rong biểu diễn trong bến tàu điện ngầm. Hình ảnh không hề hiếm. Kèn saxophone thì hình như đây là lần đầu tiên thấy. Sau này nhìn thấy kèn đồng nhạc jazz lại thì thường là các nhóm của người da đen. Nhạc cụ khác thường thấy là guitar và Tây ban cầm cho người Mễ, harmonica và accordion (vừa nhận ra tên hai nhạc cụ đều có liên quan tới hòa âm) cho người dân nhập cư Bắc Âu, và một lần thấy đàn violin với một người Á.
 Ông cảnh sát và chú chó thuộc giống chó chăn cừu Đức (German Shepard), là nòi chó được cảnh sát và quân sự yêu mến nhất. Không biết người ta vừa phát hiện ra một vụ ma túy hay sao. Hình ảnh này khiến mình cảm thấy được bảo vệ và vô cùng an tâm
 Hình ảnh này không có gì đặc biệt, chỉ thấy là đường sá ở Mỹ được đánh số để dễ nhớ dễ tìm. Đôi lúc cũng chen vào một tên vĩ nhân khiến mình bối rối.
Nhìn bảng để biết tàu gì chạy qua đường ray này và chạy về hướng nào.
 Người đi lên tàu điện ngầm. Nguyên tắc là đợi người trên đi xuống rồi người dưới sẽ đi lên.
 Bảng Exit chỉ ra cầu thang để lên lại mặt đất, và một bảng ghi rõ mình sẽ chui lên nhằm ngóc ngách nào.
Vạch vàng an toàn nằm ở hai bên mép. Khi đứng đợi tàu điện, không được dẫm lên vạch vàng.
 Nếu vì dại dột, bất cần mà ngã ra ngoài đường ray? Bên dưới vỉa hè có một khoảng hở nằm ngay vạch vàng, khi ngã xuống thì lập tức lăn vào trong phía dưới vỉa hè. Cố trèo lên lại trong lúc hoảng loạn rất nguy hiểm.
Hình ảnh này cũng cho thấy một phần rác thải ứ đọng trong hệ thống tàu điện ngầm đã rất lâu đời của New York.
 Cửa tàu điện có cảm ứng an toàn như cửa thang máy. Nếu có gì ở giữa thì cửa sẽ tự động mở ra, không khép chặt lại.
Đứng chờ tàu điện ngay khúc tàu vừa chui ra khỏi hầm khá hay. Khi tàu chạy rất nhanh, tàu còn kéo theo không khí bên hông. Khi về bến, tàu phanh gấp tại, không khí bị đầy lùa về trước do quán tính, tạo ra một luồng gió thổi tung mát rượi.
 Bản đồ mạng lưới tàu điện ngầm, được đặt ở khắp nơi trong bến đợi và trên toa tàu. Khi nhìn quen thì thấy rất rõ ràng và chi tiết. Hình như Thảo có đọc đâu đó là đường tàu điện ngầm không thẳng băng như thế này, nhưng trên bản đồ được vẽ thẳng, bởi khách đi tàu không quan tâm tới đường đi mà quan tâm tới điểm đến.
 Một số tàu mới hơn có bản điện tử đánh dấu những bến đã đi qua và những bến sắp tới. Một số tàu cũ không có thì tự mình phải nhìn và chú ý xem đã đi đến đâu. Nếu đi quá bến, thật ra chỉ cần ra khỏi tàu, lên chuyến cùng tên nhưng chạy hướng ngược lại để quay về bến cũ.
 Một ban nhạc Mexico, hát và đàn. Thảo đã muốn quay phim lại nhưng hơi ngại nên thôi. Hình như họ đang không xin ăn trong lúc này mà chỉ tiện thể chơi nhạc mua vui cho khách đi tàu. Người New York nổi tiếng thờ ơ với mọi diễn biến trên tàu điện. Người ta đã từng thí nghiệm sự thờ ơ của người New York bằng cách cho nhạc công nổi tiếng xuống biểu diễn trên tàu điện. Lí do là những chuyện khác thường đã trở thành thường ngày trong môi trường này. Có một thời điểm mà quá nhiều sự ngạc nhiên khiến con người không còn muốn ngạc nhiên nữa.
Nghe nhạc bên trong toa tàu điện ngầm rất hay. Tàu cách âm và không tạo tiếng vang. Và nghe nhạc live bao giờ cũng khiến mình ngất ngây.
 Chu du bằng xe đạp, lành mạnh, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường. Những khi mệt mỏi (hoặc không có lối đi) lại mang xe xuống đi nhờ một đoạn tàu điện. Việc này mới chỉ thấy nam làm, chưa thấy nữ bao giờ. Hình như thang máy trong bên tàu chỉ dành cho người tàn tật thôi.
 Người vô gia cư ngủ trong bến tàu điện. Khi trời lạnh thì dưới lòng đất khá ấm. Khi trời nóng thì dưới lòng đất khá mát. Chỉ có là cái khách sạn này tốn $2.5 cho mỗi lượt ra vào, bằng một vé đi tàu điện ở New York. Khi đã check-in rồi thì ở bao nhiêu đêm tùy thích. Người ăn xin thường hay lên xuống từng toa tàu để xin tiền khách đi xe. Ở dưới bến tàu cũng có bán đồ ăn những chỉ là kẹo, nước.
 Lối đi xuống một ga tàu điện. Chỗ này nằm ở Bryant Park, một công viên nổi tiếng, đúng khu trung tâm, và đường số 42 đi xuyên qua Time Square.
 Một quầy thông tin, nơi mình có thể đến hỏi (và hỏi một người sống thực sự) về tuyến đường, tàu, và bất kì cái gì liên quan tới sinh tồn trong thế giới tàu điện ngầm.
 Một toa tàu điện nằm ở đường ray xương sống trong giờ cao điểm, và bạn Trung Quốc xinh xắn của Thảo.
 Không có tấm nào chụp được người lái tàu điện. Lúc mới qua Thảo băn khoăn hoài, không biết tàu điện tự vận hành hay có người lái (???). Lí do là thấy công việc lái tàu hơi chán, lúc nào cũng chỉ thấy một đường hầm hun hút trước mặt, và các ga tàu điện giống y hệt nhau. Lái xe bus có vẻ còn thú vị hơn nhiều.


Hãng tôm Bubba Gump

Ngạc nhiên một đêm bát bộ ở Time Square: Hãng tôm Bubba Gump là hãng tôm có thật!!!
Thật tình là nhìn cứ tưởng mơ
Theo sử sách Hollywood ghi lại thì ý tưởng hãng tôm Bubba Gump được thai nghén từ giấc mơ sở hữu một chiếc thuyền đánh tôm của Benjamin Buford "Bubba" Blue, được sự đồng thuận và tham gia nhiệt thành của người bạn, người đồng chí, người anh em sinh đôi của anh là Forrest Gump. Viễn cảnh trong đầu Bubba là hai người bạn sống trên tàu tôm, sống bằng tôm và nghề tôm.

 Không may Bubba hi sinh trong chiến tranh Việt Nam
 "Sau đó Bubba nói một điều mà tôi không bao giờ quên."
"Tôi muốn về nhà."
 Với ảnh hưởng là ngôi sao bóng bàn trong giải All-America, Forrest nói một lời nói dối nho nhỏ là anh thích sử dụng vợt bóng bàn Flex-o-lite, và được tặng $25,000. Sau khi sắm một vest thật oách và dẫn mẹ đi ăn một bữa thật sang tại nhà hàng, anh còn $24,562.67 để mua một chiếc thuyền dánh tôm. Anh đặt tên nó là "Jenny."
Trung úy Dan giữ lời hứa với Forrest rằng khi Forrest trở thành thuyền trưởng, ông sẽ tình nguyện làm thuyền phó.
Cơn bão Carmen năm 1974 đánh nát toàn bộ tàu đánh tôm trong khu vực, trừ duy nhất tàu Jenny. Công việc đánh bắt cực kì bội thu, Bubba Gump Shrimps Company thành công lớn, và Trunng úy Dan giảng hòa với Chúa.
 Mặc dù phim Forrest Gump lượt lại những sự kiện chấn động lịch sử của nước Mỹ trong những năm 60s, 70s, sự thực ngày nay thì hãng tôm Bubba Gump lại là một nhà hàng hải sản khá lớn, ra đời bằng cảm hứng từ phim Forrest Gump.

Ước mơ của Bubba và Forrest có gì đó hơi giống với giấc mơ của George Milton và Lennie Small trong Of Mice and Men (Của Chuột và Người) của nhà văn John Steinbeck. Với câu chuyện được đặt vào một vùng làm nông ở bang California vào thời Đại Khủng Hoảng, giấc mơ của họ là được sở hữu một mảnh đất nhỏ của riêng mình để sinh sống và trồng trọt hoa màu, tự cung cho những nhu cầu của chính mình. Một cuộc sống tự chủ, không chịu luật lệ của một ai. Một giấc mơ rất Mỹ.

Có trùng hợp không khi nhân vật Lennie Small của Steinbeck là cũng một người trí tuệ kém phát triển, một thằng khờ nhưng rất tình cảm. Câu chuyện Của Chuột và Người kết thúc với George nhận ra hoàn cảnh bế tắc và cùng khổ của họ. Trong lúc chỉ có riêng hai người, George tả lại cho Lennie viễn cảnh tương lai tươi sáng của hai người, sau đó giết Lennie bằng một phát súng vào đầu, để Lennie có một cái chết hạnh phúc và không đau đớn. Một câu thơ của Robert Burus trích trong đây , theo như lời bạt của câu chuyện được dịch ra tiếng Việt là được John Steinbeck lấy làm chủ đề tư tưởng: "Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được"

 Forrest Gump vẫn là bộ phim Thảo thích nhất từ trước đến giờ. Số lần coi đi coi lại không còn đếm được những không bao giờ chán, vì Forrest Gump hay đến từng chi tiết, từng lời thuật hay mẩu đối thoại nhỏ. Dưới đây là bản piano của nhạc nền chính của Forrest Gump, còn gọi là Forrest Gump Theme hay The Feather Theme (nhắc đến chiếc lông đang bay), trong lúc lời hứa tập đàn vẫn treo lơ lửng.


Có một sự kì lạ là những bản cover nhạc trên YouTube mình thích thường là của người Đức cover. Hơi tiếc sự nghiệp học tiếng Đức của mình.

Tuesday, May 7, 2013

New York Museum of Modern Art và Mỹ thuật hiện đại

Một họa sĩ của lớp nêu ra vấn đề về mỹ thuật hiện đại ngày càng trở nên trừu tượng đến nỗi để quên mất mục tiêu ban đầu của mỹ thuật. Mục đích của hội họa là để giao tiếp, kể một câu chuyện, truyền một thông điệp. Thời trung cổ, nghệ sĩ vẽ tranh và tạc tượng những câu chuyện trong Kinh thánh để giảng đạo cho giáo dân phần đông không biết đọc chữ. Hội họa hiện đại, sau sự ra đời của máy ảnh, không còn áp lực tả thực nữa nên trở nên trừu tượng và giản lược đến nỗi bỏ rơi người thưởng thức, người thưởng thức không có cách gì lần lại tư tưởng ban đầu của họa sĩ được nữa. Cũng thú vị. Đây là video của bạn làm.




Ý tưởng làm Thảo nhớ lại chuyến đi thăm Bảo tàng Nghệ thuật đương đại của New York (New York Museum of Modern Art- MoMA) học kì trước. Ở đấy Thảo được chỉ dẫn là lắng nghe cảm xúc bên trong khi nhìn ngắm bức tranh hơn là cố dịch nghĩa ý nghĩa.

Nếu đọc trước diễn giải của họa sĩ về bức tran, ngắm và ngẫm lại  cũng tự thấy mình cảm nhận được dôi phần, thấy mình khôn ra tí chút. Tuy nhiên như vậy thì họa sĩ vẫn giao tiếp bằng lời chứ không phải bằng tranh nhỉ.

Như bức tranh màu trắng toát có tên là The Voice kia được giảng là vận dụng nghịch lí: bức tranh gọi là The Voice trên một nền trắng tĩnh lặng. Ai mà đoán được...

Bức duy nhất Thảo thấy ấn tượng là bức The Three Musicians của Pablo Picasso. Sắc xanh, vàng, cam, nhìn vào là nghe thấy tiếng nhạc jazz mà chưa cần giảng giải gì hết :).

Bảo tàng MoMA của New York đang sở hữu bức The Starry Night của Van Gogh và một phiên bản của The Scream của Edvard Munch. Người hướng dẫn cho nhóm sinh viên của mình nhận xét rằng ý nghĩa của việc đến tận bảo tàng để ngắm bức tranh thật thay vì ngắm qua ảnh chụp nằm ở những mảng trắng nhỏ quanh rìa bức tranh, nơi cọ vẽ không chạm tới. Nhìn thấy những mảng trắng này mới thấm thía là kiệt tác như The Starry Night vẫn là màu vẽ trên giấy trắng thôi.



Tiếp theo sẽ giới thiệu nghệ thuật đương đại qua góc nhìn của một người bảo vệ tại một viện bảo tàng. Với nghề nghiệp đặc biệt của mình, anh chàng vốn cũng là họa sĩ này thu thập những chuyện tai nghe mắt thấy hằng ngày trong một viện bảo tàng nghệ thuật, rồi vẽ thành bộ comic tự truyện, có tên là It is what it is! Truyện lên tranh có mọi thể loại từ chuyện đối phó với những kẻ thích sờ mó hiện vật, tới việc say mê giảng giải cho khách tham quan về ý nghĩa của các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng. Báo The New York Times có một bài viết về Todd Balthazor cùng một số người bảo vệ kiêm họa sĩ trong viện bảo tàng khác, những người bảo vệ có kiến thức và đam mê với nơi mình làm việc.
Bảo tàng Walker Art Center nơi Todd Balthazor đang làm việc chộp ngay lấy bộ truyện này và đăng lên website (<- đọc thêm truyện tranh ở đây). Comic của Todd Balthazor không chỉ có những bài phân tích nghệ thuật gói gọn trong vài ô truyện tranh mà còn bông đùa về việc đa phần nghệ thuật hiện đại quá xa vời và không thực tế mấy, ví dụ như những bức tranh chỉ tuyền một mảng màu.

Và chuyện một họa sĩ muốn chứng minh rằng hội họa không chỉ là ảo giác trong khung tranh mà là thực, có thể chạm đến được.


Sunday, April 28, 2013

Con Bướm- Hans Christian Andersen. Chuyện chưa kể/dịch

Dịch từ truyện "The Butterfly" (1863) của Hans Christian Andersen, theo bản dịch tiếng Anh của Fanny Fuller.

 

Con Bướm

Có một gã bướm đương ngấp nghé ý định kết hôn. Vợ của gã, dĩ nhiên phải là một bông hoa, một bông nhỏ tèo tẹo thật xinh xắn. Gã phóng mắt nhìn xung quanh. Những bông hoa ngồi lặng lẽ, miên man trên đài của từng nàng, trang nghiêm theo đúng kiểu của con gái chưa chồng; nhưng có quá nhiều bông trong số chúng, biết chọn ai bây giờ? Cảm thấy không thể tự mình quyết định, gã tìm đến hoa cúc. Người Pháp gọi nàng là Magaritue, bởi họ tin rằng nàng có tài tiên tri. Những cô gái đang yêu ngắt từng của nàng cánh hoa một và hỏi nàng về người thương “Chàng có yêu ta không? _Bẳng cả trái tim? _Hết sức buồn thương? _Bên trên tất cả? _Không thể kìm giữ? _Thương thầm nhớ trộm? _Chỉ một chút thôi? _Không chút nào cả?” Mỗi người hỏi bằng một ngôn ngữ khác nhau. Gã bướm bay đến bên nàng, nhưng không dứt từng cánh hoa của nàng, mà thay vào đó đặt lên chúng những nụ hôn, nghĩ rằng làm vậy gã sẽ lấy được thiện cảm của nàng.

“Hỡi nàng Margaret ngọt ngào,” gã nói, “trong hết thảy các loài hoa, nàng là người phụ nữ thông tái nhất! Nàng có tài tiên tri! Hãy cho tôi biết, tôi nên cưới bông hoa này hay bông hoa kia? Bông nào? Ước gì tôi biết được, tôi sẽ đến bên cô gái yêu kiều kia, và bày tỏ với nàng ngay!”

Bông cúc nhỏ im lặng không trả lời. Nàng không chịu nổi việc bị gọi là phụ nữ, bởi nàng vẫn còn là một cô bé, và khi người ta vẫn còn là một cô bé, tất nhiên không thể là phụ nữ được.

Gã bướm hỏi thêm lần nữa, rồi lần thứ ba, nhưng nàng nhất định không hé nửa lời. Gã không thèm hỏi nữa và bỏ đi, bụng nghĩ thầm sẽ tự mình đi hỏi.

Lúc ấy vẫn còn đầu mùa xuân, và đương có hằng hà sa số những bông hoa giọt tuyết và hoa diên vĩ. “Trông cũng được đấy,” gã bướm bình phầm “đứng đắn, nhưng nhìn xanh xao quá!” Gã bướm, như bao gã trai trẻ khác, chỉ quan tâm tới phụ nữ lớn tuổi hơn mình.

Gã bay đến những bông mao lương, nhưng cảm thấy chúng ủy mị quá mức; những bông tuilip, quá phô trương; bông đậu chổi, chẳng có thân thế gì; những bông hoa đay, nhỏ người quá—mà có đến là nhiều họ hàng gần xa; và rồi những bông hoa táo, nhìn qua tưởng chừng các nàng hừng hực sức xuân như những đóa hoa hồng, nhưng chúng quả kì sớm nở tối tàn, chỉ một cơn gió thoảng là rụng lả tả. Hôn nhân như vậy thì ngắn ngủi quá. Những bông hoa đậu vừa ý gã nhất, nàng có màu hồng và trắng, thuần khiết và tao nhã, và thuộc loại con gái khéo léo, xinh xắn và giỏi việc nội trợ nữa. Gã gần như đã đem lòng tỏ tình với nàng,và bỗng gã trong thấy treo lủng lẳng gần nàng một vỏ quả đậu với những cánh hoa trắng. “Ai thế?” gã hỏi. “Chị tôi đấy.” bông mầm đậu trả lời.

“Như vậy khi cô già đi trông sẽ y hệt như vậy ư?” gã bướm kinh hãi vội lẩn đi.

Những bông kim ngân rung rinh bên hàng rào- những cô gái trẻ với khuôn mặt dài và làn da vàng ươm- những gã bướm không thích kiểu đẹp ấy. Phải rồi, vậy thì gã muốn gì? Cứ đi mà hỏi gã ấy.

Mùa xuân tàn, mùa hè qua, rồi mùa thu tới. Trăm hoa đua nở, mỗi nàng xúng xính trong bộ cánh đẹp nhất, nhưng vô phương. Sức trẻ tươi mới của gã bướm đã cạn. Trong tuổi già, trái tim gã thèm khát một mùi hương hoa, nhưng những bông thược dược và cẩm chướng lại không có hương. Cho nên gã bướm bay đến cây bạc hà. “Nàng ta chẳng có lấy một bông hoa, nhưng chính bản thân nàng là một bông hoa đấy thôi, bởi nàng thơm ngạt ngào từ đầu đến chân. Ta chọn nàng.”

Nhưng cây bạc hà giữ im lặng, và sau cùng nàng nói: “Tình bạn, và chỉ vậy thôi. Tôi đã già rồi, và anh cũng thế. Ta có thể bầu bạn nhau rất tốt, nhưng làm đám cưới ư? Đừng để ta tự lôi bản thân ra làm trò cười ở cái tuổi thế này”

Cho nên con bướm chẳng thể lấy ai được cả.

Con bướm mãi vẫn là một gã độc thân.

Cuối mùa thu ập đến những cơn mưa rào như trút nước; những cơn gió đập vào lạnh lẽo trên thân cây liễu già, làm cho bên trong của chúng nứt toang hoác. Không thể cứ bay lượn trong bộ cánh mùa hè mãi được. Gã bướm cũng chẳng muốn lang thang ở ngoài trời làm gì; gã đã tình cờ lọt vào một khe cửa, và bên trong có lửa trong lò—phải, bên trong ấy cũng ấm áp tựa như mùa hè vậy;-- gã có thể sống sót qua ngày. “Nhưng cuộc sống thế này không trọn vẹn. Người ta phải có ánh nắng, tự do, và một cô vợ nhỏ.”

Gã bay đến bệ cửa sổ, bị phát hiện, và bị một chiếc kim đâm xuyên qua người và gắn chặt vào một chiếc hộp trưng bày; chẳng ai có thể giúp gã được nữa.

“Bây giờ ta như một cái hoa gắn chặt vào cuống. Thật chẳng dễ chịu chút nào! Nhưng như vậy cũng chẳng khác gì hôn nhân, bị ràng buộc.” Gã tự cảm thấy hài lòng.

“Thỏa mãn như vậy thật thảm hại làm sao!” một bông hoa trồng trong chậu trong căn phòng bình phầm.

“Chẳng ai tin được thứ hoa trồng trong chậu,” gã bướm nghĩ, “chúng tiếp xúc quá nhiều với con người.”

The End
 


Wednesday, April 24, 2013

Chó xinh trong công viên

Có sẵn ảnh nên cứ đưa lên vậy.

Có ai bao giờ lâm vào hoàn cảnh nhiều việc để làm tới nỗi không muốn làm gì cả không?

Central Park một ngày đầu xuân, cây cối còn trụi lủi. Người người vẫn chăm chỉ dắt cún cưng đi dạo. Nhiều con được tỉa tót cẩn thận làm duyên. Cứ tưởng rằng mình không quen nhìn mấy giống chó lạ như vậy nên thích, nhưng rồi thấy người ta xin vuốt ve, xin chụp cũng nhiều.

Thảo thấy sợ khi đưa tay lại gần định vuốt tai thôi, nhưng chó xoay mõm như muốn cắn :), nhưng ông chủ bảo chó phải được ngửi và liếm tay để làm quen, sau đó vuốt ve gì tùy ý.


Saturday, March 30, 2013

Thăm Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên New York- ("Day at the Museum")

Đây là bộ dạng hay bắt gặp ở khách đến thăm bảo tàng lịch sử tự nhiên (American Museum of Natural History)

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên nằm ở số 200 đường Central Park, theo Thảo là mé Tây của quận đảo Manhattan. Central Park rộng khiếp tới nỗi cái gì nó cũng nằm gần Central Park được cả. American Museum of Natural History cũng là một bảo tàng sống dài hạn bằng tiền quyên góp. May mà dân tình ở đây có ý thức nên kho tàng tư liệu này mới sinh tồn nổi. Cứ mỗi đứa sinh viên nghèo đi du học, đến đâu treo bản tùy-lòng-hảo-tâm cũng không chi quá 50 xu, thì có một doanh nhân thành đạt nào đấy yêu lịch sử và tự nhiên đến nỗi chỉ $30 cho một bận. Đi tàu từ St. John's tới bảo tàng này mất một tiếng. Có thể đi thẳng từ trong ga tàu điện ngầm vào cửa sau của bảo tàng luôn. Xây dựng như vậy chắc là do bảo tàng đón khách đi xe công cộng nhiều. Vậy nên Thảo chưa chụp được cửa chính, chắc cửa chính chỉ đón khách đi taxi.

Như thường lệ là chủ đề của bài post lại đụng hàng với blog "Nước Mỹ nơi tôi đang sống", blog của một bác già đi viễn du, mẹ giới thiệu. Mà trong blog "Nước Mỹ nơi tôi đang sống" ảnh chụp đẹp hơn, có thêm cả thông tin tổng hợp nữa. Vào trong đây để đọc và ngắm ảnh.

Nghe tới chữ lịch sử dễ hình dung ra đại bác và xe tăng, nhưng đây là lịch sử thế giới tự nhiên. Bảo tàng tuy rộng lớn và tiếng tăm, nhưng thực ra Thảo thấy không có gì nhiều để nói, thú thật là khá chán. Lí do là 80% đồ trưng bày ở đây là đồ giả: cây giả, thú giả, có đủ cả lông, mắt, trưng trong lồng kính. Tất nhiên đồ giả cũng có lí của đồ giả. Ví dụ là mẫu vật bướm sống vào đến phòng thí nghiệm ướp xác chắc cũng phải co quắp vặn vẹo, còn đâu vẻ đẹp lộng lẫy hiên ngang nữa. Tóm lại là nguyên tòa nhà này có chức năng như một quyển bách khoa toàn thư cho trẻ con, minh họa bằng hình nộm thay vì bằng tranh. Nếu như nấn ná đọc thì cũng thu được khối cái hay, và cách họ trình bày thông tin rất bắt mắt. Tuy nhiên mình không còn là trẻ con để bị dụ dỗ mới chịu đọc. Hơn nữa, đọc về cách cọp săn mồi, sau đó ngẩng lên thấy cái răng cọp hay con cọp nằm phơi nắng, thích hơn là nhìn con thú nộm trong tư thế vồ mồi bài bản.

Tuy nhiên đánh giá cao công sức người ta làm ra hình nộm rất đẹp. Trong một phòng lớn cho nhiều phòng nhỏ lõm vào tường, ngăn bằng tấm kính, trong mỗi phòng nhỏ là một loài vật với những tư thế tĩnh cứ như động, và bức tranh khung cảnh môi trường tự nhiên dán ở đằng sau tạo cảm giác chiều sâu rất hay, như là mình nhìn thấy hai con cò đây. Về điểm này thì bác viết blog "Nước Mỹ nơi tôi đang sống" bị nhầm vì cái bác bảo không phải là poster lại chính là poster. Bác tưởng là cảnh vật nhân tạo này ở trong lồng kiếng khổng lồ, rất vĩ đại, nhưng Manhattan này người ta chỉ phung phí đất cho cây thật thôi, không phí cho cây nhựa đâu.




Bảo tàng có tận 4 tầng, được chia ra làm nhiều phòng theo chủ đề. Động vật, thực vật chia theo phân bố, đặc trưng vùng miền. Có phòng về lịch sử tiến hóa của loài người, không gian vũ trụ, khoáng thạch và khủng long. 20% phần trăm hàng thật trong này tập trung vào phòng khoáng vật và khủng long. Có điều thật giả bất phân nên mình quy hết 100% là hàng nhái, nhiều món về nhà mới vỡ ra là đồ thật. Rất là oan Thị Kính cho quả thiên thạch Willamette, vốn là quả thiên thạch chạm đất còn nguyên vẹn lớn thứ 6 thế giới hiện này, sờ vào thấy lạnh như bằng sắt nên không buồn chụp hình chung mà chỉ dính một mảng trong lúc mình bận chụp người ta như thế này thôi. Quả thực tảng thiên thạch làm bằng một hợp chất sắt-niken nhưng mình có thói quen nghĩ việc sao băng rơi xuống đầu là quá hiếm.

Phần còn lại của phòng thám hiểm không gian vũ trụ (hi vọng) cũng chỉ là sách giáo khoa
Mô hình mặt trăng:
Và bàn cân trong môi trường trọng lực của mặt trăng. Nếu nhân với 6 lên, xong chuyển sang kg thì Thảo nặng 50 kg. Cân đánh lừa!!

Thích học thiên văn như em thật ra rất nên vào đây. Họ có một hệ thống phim, mô hình, màn hình tương tác.
Trái cầu sinh học này cực hay. Trong môi trường khép kín, ngoài nhiệt lượng lấy từ ánh sáng mặt trời, các sinh vật trong quả cầu này tự cung tự cấp cho nhau trong một chuỗi thức ăn khép kín. Tảo lấy năng lượng từ mặt trời để tạo chất hữu cơ. Tôm ăn tảo và xác thải của tôm lại cung cấp chất hữu cơ cho tảo. Ảnh đẹp hơn ở đây.
Có điều Thảo vẫn cho là cái bình đó rồi sẽ đầy kín tảo và tôm, vậy thì người ta làm sao?

Màn đánh lừa thứ hai là bộ xương khủng long hoàn chỉnh của con T-rex, có đóng trong phim Night at the Museum. Lại tưởng rằng đồ chơi hóa đồ thật.
  

Và cả mô hình con cá vây tay đang chờ biến thành lưỡng cư. Trong phòng thật giả lẫn lộn làm sao không nhầm.

Khó tin nữa là trong đám đá quý, kim cương có hàng thật. Thứ duy nhất chứng minh với mình đấy là hàng thật là sự thể là đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp đá quý từ đây.
Thế giới đại dương



Lịch sử tiến hóa của loài người cũng không phải không thường thấy.





Phần lớn ảnh động vật, chim chóc













Văn hóa Mexico tới thời Trung cổ

Người da đỏ



Tổng thống Theodore Roosevelt là tượng đồng chứ không phải tượng sáp nhưu trên phim, lại không ngồi ngựa mà ngồi ghế!



Tóm lại là đi như vậy chỉ nhằm hình dung mình là Ben Stiller cưỡi bộ xương khủng long thôi. Có thể hiểu vì sao người đến đây vài lần ít thích quay lại, trừ khi có đam mê về xương hóa thạch của khủng long :).