Pages

Saturday, December 1, 2012

Đã đọc xong The Moviegoer



Từ lâu. Sách đã đọc xong và viết bài điểm sách cũng xong từ lâu. Bảo phát hiện ra là The Moviegoer đã được dịch ra tiếng Hàn và có được trưng trong lớp tiếng Hàn của trường Bảo. Truyện viết rất hay và nặng tính triết học quá đáng, triết học Kierkegaard. Nếu không được mớm trước tên Kierkegaard thì không cách gì hiểu được cốt truyện nó đang đi về đâu và nhân vật chính đang làm cái gì, cũng như những nhân vật nền nổi lên có vẻ quan trọng rồi rơi tuốt đi đâu và tự lúc nào không biết. Rất là hiện đại. Cuối cùng thì cả nhân vật lẫn người đọc đều phải thú nhận chẳng có gì có vẻ được giải quyết triệt để, nhưng cảm giác cuối cùng thực sự là THANH THẢN.

Kierkegaard là nhà triết học rất nổi tiếng người Đan Mạch. Danh sách các nhà tư tưởng được đọc sơ lược trong cái lớp Triết học đại cương này có những ông tuyên bố về 4 nguyên tố nước, lửa, đất, khí tạo nên thế giới, Socrates, Plato, và các nhà triết học hiện đại có Descartes, Berkeley, Hume, Hegel, Marx (có luôn), Freud, Kant, Kierkegaard, Nietzsche, Sartre. Kierkegaard là cái ông khó hiểu nhất, nhưng khi hơi hiểu rồi thì nhìn đâu cũng thấy Kierkegaard, kể cả bức tranh The Scream của Edvard Munch ấy cũng bảo là có ảnh hưởng của Kierkegaard cho được. Nếu như Freud hướng về cân bằng nội tâm và lạc thú, Marx hướng về bình đẳng xã hội (có lẽ), Nietzsche hướng về quyền lực thì Kierkegaard hướng về ý nghĩa cuộc sống và sự "tìm Chúa" của mỗi người. 
Berkeley cũng có một ý khá thú vị là thế giới này không cấu thành từ vật chất. Tất cả con người sự vật sự việc đều như nhân vật của một cuốn sách mà Chúa là tác giả. Tất cả đều không hình hài, không hiện hữu, chỉ có phần hồn mà không có phần xác. Hume thì ngược lại, chỉ chấp nhận những gì cảm nhận được bằng giác quan. Trên bàn bida chỉ có trái banh trắng và trái banh đen chuyển động, không có chuyện trái banh trắng làm cho trái banh đen chuyển động. 
Descartes thì chỉ tuyệt đối tin vào 2 thứ: toán học và bản thân ông đang tồn tại. Hegel có được nhắc tới trong sách Giáo dục Công dân hồi xưa vì ông này có ảnh hưởng lên Karl Marx, nhất là quy luật lịch sử xã hội vận động không ngừng. Khác cái là Hegel tin vào một đấng siêu nhiên điều khiển mọi thứ, còn Marx kêu gọi cách mạng vô sản. Kant phức tạp quá không biết tóm tắt thế nào, nhưng ông có vẻ ba phải, thấy người người tranh cãi về vật chất và tinh thần nhiều quá nên ông bảo cái nào cũng quan  trọng cả, còn cái gì không chứng mình được thì quy hết cho niềm tin. Ông còn nói cái gì rất hay về đạo đức. Làm việc thiện vì muốn làm thì chưa phải đạo đức. Không muốn làm việc thiện nhưng vẫn làm, ấy chính là đạo đức. 
Loạt về triết học hiện đại kết thúc bằng Sartre. Sartre là nhà vô thần bi kịch. Ông không tin là có Chúa, nhưng cũng không muốn không tin.Ông cũng nghĩ được răng nếu Chúa hiện hữu thì con người sẽ dể dàng cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, tuy nhiên KHÔNG THỂ có chuyện Chúa hiện hữu được. Chúng ta như diễn viên lên sân khấu không hề có kịch bản, lời thoại, trong suốt vở kịch phải tự mình luận ra vai trò của bản thân đối với các diễn viên khác. Lập luận của Sartre là con người vốn dĩ tự do. Nhưng nếu tồn tại một đấng siêu nhiên nhào nặn nên con người, dõi theo mọi hành vì cử chỉ mọi lúc mọi nơi thì làm sao mà có tự do? Như vậy không thể tồn tại một đấng như vậy được. Chủ nghĩa vô thần nhờ Sartre có ảnh hưởng mỗi lúc một rộng rãi.
Kết thúc khóa học là triết học của... thầy. Nghe như vậy có cảm giác là học xong khóa này tự về nhà xây dựng một trường phái triết học mới cho bản thân cũng được đây. Thầy rất khoái dùng Kierkegaard trả lời Sartre. Cụ thể là năng lực của Chúa là năng lực tình yêu. Chúa cho con người tự do. Chúa ban cho con người cuộc sống, nâng đỡ mỗi khi khó khăn, mở mắt con người trước những lựa chọn, nhưng Chúa cũng cho con người quyền định đoạt cho mình. Chúa luôn gọi con người về với Chúa, nhưng cuối cùng quyết định vẫn là tự do của mỗi người.

Viết bài nãy giờ chưa hề mở sách hay tra Google lần nào đâu nhé, và thông tin nó đã tam sao thất bản từ nhà triết học >> người viết về nhà triết học >> người tham khảo và viết lại lần hai >> thầy >> Thảo >> trí nhớ >> blog. Còn mỗi nhà trên đều viết nhiều sách tới nỗi một đời người đọc hết một ông đã gọi là uyên bác lắm rồi.

Thứ 2 kiểm tra cuối kì rồi. Không biết có thuộc bài chưa :(.

Đề nghị Sophie's World của nữ nhà văn Na-uy Jostein Gaarder được đưa vào giáo trình. Một quyển tiểu thuyết với chủ đề là lịch sử triết học rất cuốn hút, Thảo mua lần đầu ở Hội An nhờ bạn gợi ý. Chưa có quyển nào mua từ quầy photo chất lượng kém ở Hội An mà tiếc cả, còn sách giấy đẹp ở Fahasa kiếm đỏ mắt không ra quyển nào đáng đọc nếu không có sẵn mác classics được trăm năm kiểm chứng rồi. Thế mới thấy sách hay nó đâu chịu đi đường đường chính chính về mình.



Ăn nhiều, ngủ nhiều, vi tính ít

Chắc chắn Thảo sẽ dịch xong truyện Rappaccini's Daughter. Trước giờ truyện Thảo đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn còn mê mẩn ít thấy, mà Rappaccini's Daughter thì nằm trong số đó. Đã có quyết tâm thì làm gì cũng xong, còn sự lười biếng nó chỉ quyết định thời gian. Chắc là mỗi lần cập nhật sẽ đánh tiếng lên bài post khác.

Bước đầu thực hiện lời dặn của ba là thế này đây.


Dạo này hay lên thư viện Thư viện của một trường cỡ trung nằm trong vùng ngoại ô New York có sơ sơ 1,5 triệu sách báo, băng đĩa, sách điện tử các loại. Lục hoài chưa thấy mình chụp được cái ảnh nào của thư viện trường nên giờ không có mà mình họa. Trong quận Queens có vài thư viện công cộng rất lớn nữa, còn thư viện Manhattan thì nó hoành tráng đến độ thành điểm du lịch trên đại lộ 5th Avenue mất rồi. 

Đa số, hầu hết các sách trong thư viện trường sống cuộc đời ít sóng gió, chỉ nằm trên kệ cho có không khí thư viện. Thời đại bùng nổ thông tin này chỉ quan trọng thông tin dễ nhìn, dễ nuốt. Sinh viên cao học chắc chăm đọc sách hơn sinh viên đại học. Thật ra nhầm lẫn của mọi người là Google nó đã thay thế cho thư viện rồi.
Phản luận đơn giản là thông tin trên Google free, còn thông tin trong sách không free, cái nào đáng giá hơn?
Phần Thảo mới học được cách tổ chức của thư viện, mới biết được thủ thư cũng là một nghề phải qua học hành và đào tạo (có hôm kiếm được đầu sách về vai trò của thủ thư thư viện trong giáo dục trẻ em khuyết tật). Tất cả dữ liệu sách đều được nhập vào trong bản điện tử, chỉ có thinh thoảng sót vài cuốn có từ ngày thành lập trường. Công cụ search trong thư viện cho tìm được đầu sách qua từ khóa, tên tác giả, thể loại. Kết quả cho ra tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản, vị trí trong kệ sách thư viện, có khi bố thí cho hình cái bìa và bản mục lục sách nữa. Đã!
Nhắc tới bản mục lục sách, vẫn chưa giải thích được bí ẩn thuộc văn hóa, tại sao sách nước ngoài đặt mục lục lên đầu sách còn sách mình đặt ở cuối sách, kể cả sách dịch?
Đọc sách để nghiên cứu cứ bị quy là tốn nhiều thời gian, do không có Ctrl+F từ mình muốn kiếm được. Những kẻ khờ khạo không thấy trong một cuốn sách có lẽ chứa tất cả thông tin mà phải dùng nhiều từ khóa Google mới ra hết, chưa kể chất lượng bài viết tốt và ổn định hơn, độ tin cậy cũng cao hơn nhiều. 
Thư viện trường mình ít tiểu thuyết lắm mà chỉ có sách nghiên cứu (fiction và nonfiction ấy mà), bởi rằng nó là thư viện trường, mà cũng có người vì vậy kêu lên trời xanh không thấu. Trường đại học cũng là nơi nghiên cứu thì bao nhiêu chỗ cho sách tư liệu mới đủ?

Sẽ đến một giai đoạn trở nên lười Google Search đến độ chỉ muốn lên thư viện kiếm sách cho xong.

Saturday, November 10, 2012

Nghệ sĩ Ai-len

Thích nhất: bài số 5. Vì đã quên hết tên các bài hát nên giờ chỉ có mã số video.





Nhân dịp em đang nghiên cứu thuyết trình về nước Ai-len, chị Thảo post gấp mấy cái video, hồi trước cũng đưa link trên YouTube cho em rồi. Nghệ sĩ tên Chris Byrne, tên bình thường nhỉ. Nghệ sĩ có lẽ có chút tên tuổi, cũng là bạn thân của giáo sư nữa ;). Nhạc sĩ, nhạc công vẫn nhiều đất sống lắm, và họ có quyền đam mê nhạc truyền thống. Người ta còn có cả cái nhiệt tình tới biểu diễn cho mấy chục mặt sinh viên này.

Vùng Ai-len giàu văn hóa, quyết liệt giữ gìn nét đặc trưng của mình kể cả với nước Anh. Người Ai-len nói tiếng Anh giọng rất riêng, coi mấy clip phỏng vấn Westlife nhận được liền, giọng của tầng lớp chống đối Nữ hoàng Anh (có lẽ, chưa tra lại Sử), nghe như vừa Anh vừa Úc. Còn giọng Anh của Nữ hoàng- Queen's English thì quý phái, muốn nói được chắc phải luyện dài dài, lúc nào cũng phải để ý từng âm tiết nên mỏi cơ miệng hơn giọng lười của người Mỹ. Cơ mà nghe đúng người nói giọng Anh mới vỡ lẽ tiếng Anh hay, du dương không thua gì tiếng Pháp. Oh, cứ nghe Simon Cowell nói.

Làn sóng người di dân Ai-len chắc đã mang đạo Công giáo tới Hoa Kì. Cái sự gắn bó, bảo vệ truyền thống cũng khiến người Ai-len mém được coi là một thành phần dân tộc thiểu số riêng, mặc dù họ là người da trắng. Ví dụ về dấu ấn văn hóa Ai-len là việc người Mỹ ăn mừng ngày lễ Thánh Pattrick, với rất nhiều màu xanh lá, cỏ ba lá may mắn. Người Mỹ gốc Ai-len nổi tiếng thì Thảo chỉ biết có ông Gerald O'Hara, cha của cô Scarlette O'Hara. Tra thêm trên mạng thì ra được thêm tổng thống John F. Kenedy.

Nghe Chris Byrne đầu tiên đã vội nghĩ tới ngay Secret Garden. Nghĩ đến thứ hai là Tangled, đoạn phim dài 3 phút không có đối thoại trên nền nhạc phong cách châu Âu thời Trung cổ (cảm giác). Thích nhất đoạn người chơi đàn vĩ cầm ngả đầu lên cây đàn, bao giờ cao trào nó cũng ở khúc này. Cây đàn violon nó cũng thai nghén thời Trung cổ.

 



Điểm danh lại mấy nhạc cụ trên tay hai ông:
Cây đàn Bouzouki.

Sáo

Uilleann, cây kèn túi.
Nghe kể cây kèn đỏng đảnh này gặp thời tiết ít điều hòa như ở Ai-len dễ bị lạc điệu ngay. Theo Wiki thì Uilleann cũng cực khó chơi.







Saturday, November 3, 2012

Fur Elise- Beethoven (Tout L'amour)

Mục đích: theo dõi tiến độ từ tốn của quá trình tập luyện. Nhờ ba mẹ nhận xét, ngoài chuyện đàn chưa trôi và lạc nhịp ra (ngoài hai thứ đó ra thì còn lại gì hỡi?), vì Thảo tập bài này cho ba mẹ :). Này thì thói quen quay chụp những nghệ sĩ đêm khuya. Bạn khuyến khích Thảo tập Fur Elise, nghệ sĩ có sải tay dài một cách đáng ganh tị. Trong video này thì đang chơi một bài nhạc pop rất là không xứng tầm với trình độ.
Umbrella- Rihana
 

Friday, November 2, 2012

Mitt Romney vs. Barrack Obama

Trong quá trình vận động tranh cử, có 3 lần hai ứng cử viên tổng thống lập đàn đấu khẩu với nhau. Có nhiều luồng ý kiến trái chiều về sự nên xem hay không (tỉ lệ thì chênh nhau thấy rõ). Không nên là bởi quan niệm "politicians talk", chính trị gia nói, mà ai cũng biết là chính trị gia có khả gì rồi đấy. Đấy đấy là khả năng nói dài nói dai mà không cần nội dung gì cả. Còn nên là bởi hội Deabte Society bắt. Trong Debate thì cãi cái gì cũng không hăng bằng cãi chính trị và chính sách, kinh tế, quân sự, đối nội đối ngoại. Khi mà Thảo đã gia nhập hội này rồi mấy điểm này quả thật là chỗ yếu nhất trong kiến thức. Cái thứ duy nhất Thảo có thể dựa dẫm vào là khả năng suy diễn lung tung thiên bẩm. nhưng mà lập luận phải được yểm trợ bằng luận cứ, lấy le về mảng uyên bác, giám khảo cũng có cảm tình. Vì vậy, cần phải chỉnh đốn lại bản thân.

Bây giờ Thảo đã biết cách giảm thiểu tất cả đau khổ vất vả trong quá trình cập nhật, đó là lên báo Việt đọc. Vấn đề thuộc về quan điểm không đáng sợ lắm, vì tài nguyên cũng bao gồm rất nhiều bài dịch từ báo nước ngoài. Không cần kéo xuống cuối để thấy vỏn vẹn tên tờ báo nước ngoài, gọi là có trích dẫn nguồn (nhột, mình cũng làm vậy), thì trong quá trình đọc cũng thấy đậm mùi văn dịch. Nhớ lại hồi xưa, coi phim Pinocchio, đọc Tom Sawyer, đọc tuyển tập truyện cổ Andersen, cảm giác như từng lời của dịch giả thực sự là của nhân vật trong câu chuyện ấy. Trong số những tác phẩm văn học mới, đã chính thức thành sách in bày trên FAHASA, đã thấy Coraline thoát khỏi cái gượng ép của văn dịch dịch bằng từ điển.

À nói lan man. Thay vì đọc báo và bồi dưỡng kiến thức chính trị thì Thảo viết bài này, cảm hứng từ cái ảnh số 1.

Ảnh số 1 là gia đình của ứng cử viên tổng thống bên Đảng Cộng hòa Mitt Rommey. Gia đình 3 thế hệ này chỉ có 1 cặp ông-bà nội, đó là Mitt Rommey và phu nhân. Ảnh lượm trên Facebook của Mitt Rommey.




Còn ảnh dưới đây là gia đình host của Thảo hồi xưa, gia đình bà Carol. 

Cái sự khác biệt về số đầu người là do gia đình nọ có thâm niên hơn gia đình kia khoảng mười mấy năm.

Vì sự thể là cũng như gia đình bà Carol, Mitt Rommey cũng là người theo đạo Latter-day Saints (LDS), tên tiếng Việt là Giáo hội các Thánh hữu ngày sau, một nhánh của đạo Tin lành. Người theo LDS còn được gọi là người Mormon (Mặc môn), Đọc sơ tiểu sử của Mitt Rommey, không bảo cũng thấy rõ rành rành ông là người Mặc môn điển hình. Do cái duyên thế nào mà Thảo có một năm tiếp xúc rất nhiều với văn hóa của đức tin này. Mitt Rommey quả là được rập khuôn. Ông học cử nhân tại Đại học Brigham Young University, trường có >90% sinh viên theo đạo LDS, mặc dù sau đó lấy bằng Luật ở Harvard, để không kém cạnh Obama. Rommey cũng từng dành hai năm làm truyền giáo ở Pháp, từng giữ chức giám mục. Người Mặc môn kết hôn rất sớm và có vẻ chỉ lấy chồng/vợ là người cùng đạo. Người Mặc môn thích sinh nhiều con cái, như Rommey có 5, còn số cháu chắt thì mỗi thế hệ cứ tính lũy thừa hai. Người Mặc môn có tiếng là Cộng hòa bảo thủ :P.

Sắp tới ngày bầu cử rồi nên viết bài này gọi là chạy theo phong trào :).

Để cho công bằng thì đây là gia đình Obama. Ảnh trên Wikipedia.


Gia đình nhỏ dễ thương, rõ ràng là rập khuôn nhà mình mặc dù không bằng, không thể nào bằng được :). Ôi hai con gái tuổi ăn tuổi học. 

Thursday, November 1, 2012

Ảnh Halloween ảnh Halloween

Vài ảnh chụp lại hoạt động chuẩn bị cho tiệc Halloween, một tiệc Halloween chưa bao giờ có vì siêu bão Sandy. Vậy cho nên Halloween năm này thiếu đi những bộ trang phục đặc sắc, phong phú về đề tài của những kẻ đã lớn lên cùng lễ Halloween. Nghe phong phanh một nhận xét là Halloween là ngày lễ của những định kiến, vì bản thân mình nhìn mình như thế nào không quan trọng, quan trọng là người khác nhận ra mình là ai. An toàn nhất áp dụng triệt để mọi định kiến từ gốc đến ngọn, ví dụ ma ca rồng thì nhất định phải răng nanh, áo chùng đen và khè như rắn.

Bí khắc, khắc bí. Trái bí mắt hình trái tim, con quái vật khạc ra toàn ruột bí.

Mấy trái bị rợ cỡ nhỏ bị gọt đỉnh, moi hết ruột bí ra rồi khắc vào mắt, mũi, miệng.  Có nghệ sĩ ngẫu hứng và phá cách đã khắc nên một bức tranh chi tiết, thay vì làm đơn giản bốn lỗ mắt mũi miệng Hậu quả là lên ảnh không thấy gì, và cũng không nhớ họ đã vẽ gì, trái ở giữa, hàng trước.

Con lật đật thân hình là trái bí, đầu phù thủy, do thiếu suy nghĩ nên đã mua về, rồi chưng một góc lặng lẽ trên bàn.

Dây chuyền có mặt đầu lâu, mình về mình ngắm chứ mình không đeo. Đem cất trong hộc bàn, thỉnh thoảng lôi là vuốt cái đầu hói, thọc ngón tay vào hai hốc mắt.

Bàn chân bị đứt lìa ghê rợn, treo lủng lẳng giữa phòng. Chỗ xương gãy lòi ra còn mang nâu xỉn, tthịt lổn nhổn, máu tứa ra. Ghét nhất là sờ vào nó không cứng mà nó lại... mềm mềm =.=, móng chân lại sơn đen thẫm.

Dễ ruồi bay vô miệng.

Nhân vật nhạt nhòa kia cứ mỗi lần bước vào phòng lại thấy đang lủng lẳng/lơ lửng tại một vị trí khác.

Đám bí được vẽ cho mắt mũi miệng, phía sau là bức tường vấy máu, vết máu bắn tung tóe.

Chụp lại lần nữa cho chắc, coi có bóng sáng bí ẩn nào lù lù đó không.

Tiệc tàn. Đồ trang trí Halloween bị hốt lại vào một dĩa.

Khuôn mặt mắt lé hay trợn dọc và miệng rộng ngoác rất hay được khai thác trong phim kinh dị. Đáng lẽ google thêm một bức ảnh búp bê Halloween để minh họa ý tưởng này, nhưng thôi, tránh bị ám ảnh không cần thiết.

Hai trái thận này tự dưng xài chung một ống dẫn, làm mới nhìn tưởng là phổi. Người Mỹ có một sự ngán ngại ăn nội tạng. Cho nên ma cà rồng Edward Cullen chỉ uống máu động vật mới mê hoặc và đầy bí ẩn như vậy, trong khi không ai thấy người châu Á vẫn ăn huyết heo, huyết bò, huyết gà đều đều. Trái thận này làm bằng kẹo dẻo vẫn khiến nhiều người thấy ớn.

Căng-tin, nhà ăn ấm cúng.

Hình ảnh bí ngô mùa Halloween còn gợi nhớ đến vụ mùa, thu hoạch.

Vừa nói đến uống máu lại thấy Dracula đây.



Monday, October 29, 2012

Bão Sandy

Tạm gác mọi thứ lại cho tin báo bão. Bão Sandy hoành hành khu vực bờ đông nước Mỹ, sau khi đã du lịch từ Cuba tới Haiti tới Domican, hiện đã đáp xuống New York và thiệt hại đã có. Theo tin từ tay trong ở Massachusttes thì ảnh hưởng bão chưa rõ. Dự báo Sandy còn leo lên tận Canada rồi mới chịu chết yểu trên đó.

Toàn bộ hệ thống tàu điện, xa buýt công cộng đã ngưng hoạt động từ 7h tối hôm qua. Người ta cũng liệu trước và đã thông báo rồi. Nắm thông tin chậm như T vì vẫn phải kêu sao tối qua may quá không đi chơi, không thì đã bị kẹt lại Manhattan. Người ta đã cắt điện tại Manhattan và phong tỏa các đại lộ. Thành phố không bao giờ ngủ mà cúp điện, thôi thì thành phố không bao giờ ngủ cũng phải đi trú bão.

Gió giật mạnh, bên trong nghe tiếng rít như có ai thổi sáo. Bạn ở Mỹ thì không tin chuyện sáo diều, mà mình thì chưa bao giờ nghe tiếng sáo diều, nhưng mình cứ cố kể như là mình nghe rồi. Đi bên ngoài thì lúc nào cũng ôm theo dù, mặc dù thấy dù vô dụng vì mưa bụi thôi, lại rơi ngang chứ không rơi dọc. Mở dù trong gió lại dễ bị thổi bay đi mất, như Piglet hồi xưa. Mặc áo sweat shirt đi giữa cơn cuồng phong cũng ổn (đi một đoạn ngắn từ kí túc xá ra nhà ăn). Sweat shirt T nghĩ gần như là món đặc thù của Mỹ, loại áo khoác rất mềm, ấm, có mũ trùm và có một túi kangaroo trước bụng, không xài phẹc mơ tuya nên không sợ gió vì thi thố với mặt trời mà thổi bay đi mất. Cái sợ là sợ gió ngáng chân, hay thổi đổ cây ngáng đường.

Nói chung là trú trong kí túc xá, giữa lòng quận Queens cũng thật là ấm áp và an toàn, đã vậy còn có đủ điện, sóng wifi, sóng điện thoại, thiểu nước nóng thôi chứ. Thấy tội cho những người Mễ phục vụ trong nhà ăn hôm nay vẫn phải đi làm. Bão táp ở đây may vẫn còn điện nên khu của Thảo xúm lại mở phim Nàng tiên cá lên coi. Vâng, hình như không có thế hệ nào ngừng say mê những phim Disney kinh điển.

Vừa mới tự Sài Gòn bay qua New York mà giờ cảm thấy mới quay về Đà Nẵng, lại mùa nghỉ học trú bão. Nhớ quá ngày xưa xửa xừa xưa, đứng trên bờ kè nhìn xuống, thấy biển liếm láp chân tường. Năm có tin bão lớn là nhà mình lại dọn ra khách sạn ở, vì lí do nhà cũ mình chỉ cách bờ biển 50m (phải không, tới giờ T vẫn còn nhớ khoảng cách đó để ước chừng). Bao giờ quay lại thì nhà mình vẫn đứng vững, các màng tôn còn nguyên. Cây đào chục năm bị gió vặt hết là, dáng xương xẩu rất là kiêu, lá thì phủ lớp dày trên cái sân nhỏ. Đáng khâm phục thay sự kiên cường của chúng ta.

Nãy giờ ráng viết được tới đây, đã đủ xa rời Sandy rồi, lại nghe thấy tin bệnh viện cúp điện nên phải di tản bệnh nhân sang khu vực, khác, đêm khuya và trời bão.

Trang wiki về bão Sandy cập nhật từng giờ. Sandy này còn có trang Twitter riêng với lời đe dọa hủy diệt nè.
http://twitter.com/AFrankenStorm
_________________________________________________________________________
Nói như em, bâng khuâng. Halloween năm nay nhằm đêm trăng tròn. Sức bão kết hợp với thủy triều làm nước biển dâng cao, gây lụt ở New Jersey và Manhattan. Quận Queens nằm cách biển nên không có tai nạn thủy, chỉ có tai nạn khí, hỏa, mộc. Một khu nhà ở Queens cháy trụi do sự cố nổ điện.

Hình ảnh chụp được hậu bão Sandy.

Cây gãy đổ đè lên dây điện.


Trên tàu điện ngầm đêm đầu tiên sau khi một số chuyến tàu hoạt động trở lại. Toa tàu đông nghịt người, vì một chuyến tàu bình thường giờ phải chạy hộ cho 2, 3 chuyến khác. Người ta không tính phí tàu điện trong tuần này.


Sunday, October 21, 2012

Broadway legend: Wicked


Lần cuối cùng coi được một thứ gần gần với nhạc kịch nhất chắc là Chuyện tình Lan và Điệp ké trên ti vi, trước nữa là hồi mẫu giáo coi người đội lốt thỏ, gấu diễn kịch giáo dục trẻ em, hát mấy bài thiếu nhi. Vào thời điểm này có hơi ước gì mình biết được chút ít về tuồng, chèo, cải lương, để tỏ ra am hiểu và so sánh được giữa văn hóa kịch và nhạc tây-và-ta.

Chỉ biết là nhạc kịch Broadway liên tục phát triển, vượt ra ngoài truyền thống opera, và quần chúng cũng trưởng thành để tiếp nhận văn hóa nhạc kịch. Một bộ phận lớn trong giới trẻ thích xem kịch như xem phim, cũng như thích nghe nhạc jazz, cũng như thích đọc văn học cổ điển. Từ ngày cầm được vé Wicked trên tay Thảo cũng hóa ra ghiền nghe nhạc kịch trên YouTube. Họ hát rất hay, cảm xúc đặt vào từng chữ, nếu so được với nghĩa tổng thể của lời không khỏi rùng mình. Theo đoán thì do tính chất của nhạc kịch, nét mặt biểu cảm hay đôi mắt có hồn không còn tác dụng kể chuyện nữa, vì hầu hết khán giả sẽ không nhìn thấy, nên toàn bộ cảm xúc được đặt vào giọng hát.

Rất rất thú vị là vở diễn đầu tiên mình được xem lại là Wicked đình đám, người xem đông nghẹt. Mặc dù kịch Broadway là thứ khá xa xỉ, rất nhiều người vẫn chăm đi xem và có thói quen sưu tập các tờ chương trình. Bởi rằng, sau vài năm các vở diễn có nguy cơ chuyển sang chỉ còn tồn tại trên đĩa DVD. Nếu như diễn viên truyền hình lên phim là thành… bất tử thì dàn diễn viên sân khấy kì cựu đã lên tuổi thì sẽ từ giã và bước tiếp. Việc tuyển chọn diễn viên mới phải có kế hoạc và mất nhiều năm. Diễn viên không chỉ cần ngoại hình, độ tuổi phù hợp, mà còn phải rất đa tài, hát hay, múa đẹp, diễn xuất giỏi, hay chắc là có “số” thủ vai nhân vật đó. Được sắm một vai tại Broadway có thể coi là thành công để đời của một diễn viên sân khấu.



Để thưởng thức trọn vẹn vở Wicked nhất định phải xem qua phiên bản phim chuyển thể của The Wizard of Oz rất quen thuộc đối với người Mỹ. Wicked được đặt định là câu chuyện thật đằng sau bức màn cổ tích của Phù thủy xứ Oz. Warning: Everything is not what it seems! Wicked tuyệt vời về nội dung, và các chi tiết ăn khớp với nhau và với chuyện gốc khéo đến nỗi mình phải băn khoăn không biết tác giả The Wizard of Oz khi cầm bút viết câu chuyện kinh điển có nghĩ đến những điều này không. Các nhân vật có tính cách đa chiều, phức tạp hơn một mặt tốt, xấu thể hiện trên phim. Đó là Phù thủy Tốt Glinda vốn đỏng đảnh và hời hợt, chỉ chăm chút cho hình tượng hào nhoáng trước công chúng. Đó là Elphaba da xanh, hắc ám, một người chị tận tụy với người em gái tàn tật, và đặc biệt có lòng thương cảm dành cho động vật (cứ nghĩ đến bà phù thủy chăm nuôi bọn khỉ bay). Đó là anh chàng người thiếc lạnh lùng rũ bỏ một cô gái yêu thương anh hết lòng, để phải sống làm người không tim. Đó là tay lừa đảo siêu hạng mang tên The Wonderful Wizard of Oz. Bất ngờ nhất là tình bạn không tưởng giữa Phù thủy Tốt và Phù thủy Hắc ám. Cũng như The Wizard of Oz, mọi mâu thuẫn cuối cùng được giải quyết bằng một… xô nước lạnh, nhưng hoàn toàn không giống với kết thúc quá nhanh chóng trong phim, dễ dàng đến mức cả Dorothy cũng phải ngạc nhiên. Lẽ thường thì ai cũng đoán là một kết thúc dễ dàng và không trọn vẹn, anti-climax như vậy hẳn phải còn nhiều uẩn khúc đâu đây.

(publish chừng này và sẽ còn cập nhật tiếp)








Saturday, October 6, 2012

Hành trình đến đảo Ellis và tượng Nữ thần Tự do

Ellis Island là điểm đến nằm trong chương trình ngoại khóa của lớp Discover New York của St. John's. Đi học. Ngoại khóa. Thích. Các chuyến ngoại khóa được tổ chức quá chu đáo, có đồ ăn phát trước, xe bus đưa tới tận bến phà, vé trao trước tận tay.

Vị trí của Ellis Island trên bản đồ (A), nằm trong vùng thượng vịnh New York. Có thế thấy trên này vị trí trung tâm quận Manhattan và Công viên Trung tâm Central Park. Còn phía tây là thành phố Jersey, tiểu bang New Jersey. Đảo nho nhỏ không tên nằm chếch xuống dưới, đấy là đảo Tự do (Liberty Island), nơi bức tượng Nữ thần Tự do tọa lạc (không rõ Google Map nghĩ cái gì :D). 

Từ vị trí địa lí này mà Ellis Island là nơi đón phần lớn dân nhập cư từ châu Âu ngày xưa, nhất là khoảng cao điểm từ năm 1892-1904.


Thầy :), giáo sư Lawrence Pitilli, chuyên ngành Anh ngữ.


Thầy của Thảo đây là một giáo sư rất hot, thể hiện trên trang ratemyprofessors.com là trái ớt đỏ bốc cháy, có nghĩa là có rất nhiều sinh viên là fan :). Đi trong đoàn còn có Thomas Kitts, giáo sư được Princeton Review đánh giá một trong 300 giáo sư giỏi nhất nước Mỹ. Lần đầu gặp giáo sư ngoài đời không khỏi săm soi, giống như chờ gặp người nối tiếng. Hôm qua ba mới nhắc Lady Gaga cũng sống ở New York. Ơ thế ạ? :)

Dưới đây là ảnh trong quá trình lên phà và cập bến.

Cầu bắc qua sông Hudson, đổ vào vịnh New York. Cứ cho là thấy được khung cảnh trung tâm Manhattan dù ảnh chụp mờ câm :)

Xe bus công cộng đi qua điểm này.

Một nhà tưởng niệm nho nhỏ nằm trong công viên Battery Park, nằm ngay bến phà. Chưa rõ của ai và để làm gì :(.

Người tượng.

Chim mòng biển.

Lần đầu tiên thoáng nhìn tận mắt bức tượng lịch sử siêu kích cỡ, Statue of Liberty, biểu tượng sừng sững của New York và của cả nước Mỹ. Ôi cảm xúc đâu rồi!

Hàng người chờ qua cửa an ninh trước khi xuống phà.

Trên phà và nhìn lại Manhattan.


Giữa lòng sông. Tiến tới gần hơn.

Tượng Nữ thần ở nhiều góc.

Đây rồi, ảnh đi đăng kí bản quyền là đây :).

Phà có cập bến đảo Tự do nhưng Liberty Island không nằm trong chương trình ăn chơi. Hơn nữa trong thời điểm an ninh bị đe dọa này, người ta đã đóng cửa, không cho du khách trèo lên đầu tượng nữa.

Ôi quay lưng rồi. Hi vọng còn dịp khác :).

Gần đây mới đọc được đã có dự án dựng tượng Statue of Responsibility tại cảng Seattle, nằm ở bờ Tây nước Mỹ, hàm ý là Tự do phải đi kèm Trách nhiệm. Ý tưởng chắc không phổ quát và phải vô tình mới đọc được, vì thấy chẳng mấy hay ho. Mọi thứ đều có hai mặt, và ai cũng hiểu là tự do đi đôi với trách nhiệm. Dựng thêm một cái tượng đối xứng nữa chỉ làm giảm ý nghĩa của Liberty. Lịch sử vốn đã thế thì cứ để như thế :).






Mua sách trên mạng

Khi cuốn sách đầu tiền đặt hàng trên mạng về, Thảo thấy mừng và phấn chấn, thấy tràn trề niềm tin vào xu thế và thời đại mua bán trực tuyến. Sách bản cũ, bìa chỉ hơi móp một chỗ, có nhiều vết highlight, nhưng giấy đủ số và nhìn còn mới lắm :). Giá kể cả phí bưu điện chỉ tới 1/7 trong hiệu sách. Băn khoăn là mua sách giáo khoa khổ bự bìa cứng thì lợi thế, mua sách nhỏ bìa mềm thì phí shipping bằng một nửa giá sách gốc, tính răng?


Thảo chọn đặt mua sách trên half.com, vì đã nhăm nhe trang này từ hồi còn ở nhà. Half.com là một bộ phận của trang ebay, chuyên về sách, nhạc và đĩa DVD thôi. Ebay hình như không có dịch vụ tại VN. Tính chất của Half.com giống Amazon.com, thì Amazon.com có vẻ chuyên nghiệp hơn nhiều :). Mỗi cuốn sách trên Amazon.com đều được giới thiệu lai lịch kĩ lưỡng, kèm hàng trăm điểm sách (review) từ nhà xuất bản và của người dùng Amazon. Có rất nhiều người dùng không hiểu sao có thời gian viết những review rất thâm, đọc thích ơi là thích, chắc tinh thần thuần túy vì cộng đồng. Thảo rất rất hay tìm lên Amazon.com để lấy cảm hứng viết bài ở trường. Half.com thì sách thượng vàng hạ cám không biết đường lần, nhưng mà giá cả cũng phong phú hơn. Cuối cùng là đọc review trên Amazon.com và đặt mua trên ebay.

Sách về rồi, giờ phải đem ra đọc cho thuộc.

Friday, October 5, 2012

Ngày đầu đến New York

Nhận ra những ân sủng cũng là một ân sủng lớn lao.

Viết thôi. Ảnh chụp để trong máy ngâm nhiều quá. Thảo nhất định sẽ kể lại từ đầu đến đuôi hành trình đi Mỹ lần thứ hai . Blog là nơi tung ảnh chụp cảnh dễ hơn email, vì email bị giới hạn 25MB một lượt.

Thảo khởi đầu năm học mới tại St. John's University, Queens campus, New York bằng việc bị trễ máy bay và phải tha thẩn nguyên một buổi sáng tại sân bay Sea-Tac.

Tình huống này không có gì khẩn cấp. Người ta sẽ sắp xếp cho mình đáp chuyến máy bay gần nhất còn trống chỗ.

Hôm đó ngày lành tháng tốt sao mà máy bay nào cũng đủ khách và kéo nhau bay đi tuốt.
Hữu duyên kì ngộ vậy

Kẹt ở sân bay Sea-Tac trong tình trạng không laptop, điện thoại không sóng. Tình huống này không ngờ, nhưng hôm đó nhớ được tới nhóm Maroon 5 và bài Payphone. Trong clip chính thức có Levine đứng hát vào ống nghe giữa đống hoang tàn. Tại Las Vegas mà phải mượn đến payphone, lại phải dốc hết tiền lẻ trong túi mới thấy anh chàng Levine trong bài khổ sở và thiết tha tới mức nào.

Payphone không biết đã thành hàng hiếm khó kiếm chưa. Buồng điện thoại ở sân bay Sea-Tac vẫn có ghế ngồi, có vách ngăn, có chỗ để túi xách.



Không biết làm cách nào, nhưng điện thoại đọc tiền rất nhanh. Số tiền còn thiếu sẽ được hiện lên màn hình hoặc được nói rất dịu dàng vào tai. Phiền cái là máy chỉ nhận được tiền xu dạng 1c, 5c, 10c và 25c. Tiền rơi vào hộp kêu leng keng.Nghe được giọng gia đình cách xa nửa vòng trái đất trong cái hộp đứng giữa đường, rất là mừng, thấy con người sao mà vĩ đại, khoa học và công nghệ sao mà nhiều kì tích (hôm đó tạm quên đi điện thoại di động).

Cập nhật từ vựng:
  • Đồng 1 cent= a penny
  • Đồng 5 cent= a nickle
  • Đồng 10 cent= a dime
  • Đồng 25 cent= a quarter
  • 1 đô= one buck
  • 1000 đô= one grant
Transit ở Texas. Lúc đầu ngấp nghé đi Chicago, nhưng vì lỡ chuyến bay nên giờ đặt đâu ngồi đó. Ấn tượng đầu tiên là tàu lửa xuyên terminals trong sân bay Dallas lại nằm trên trời chớ không phải dưới đất. Nhìn ra xung quanh từ đường ray trên không, thấy Texas là bình địa toàn là cát. Dân Texas cực kì tự hào về truyền thống, cũng là bang mà người Cộng hòa chiếm ưu thế :D. Cái ngạo nghễ còn thể hiện ở cờ của Texas là cờ Mỹ chỉ với một ngôi sao, ý là Texas là một bang, mà cũng là một quốc gia riêng. Tên hiệu của Tesax là The Lone Star State. Nhắc tới Texas không khỏi hình dung đến các cowboy và cowgirl.


Thảo cầm máy, ảnh chụp run tay nên mờ câm. Có lần được Bảo tiết lộ thông tin từ cậu là máy ảnh kĩ thuật số được thiết kế sao cho tiện dụng, ngay cả người không biết chụp hình cũng chụp được.

Hóa ra Thảo không biết chụp hình.



Đây là máy đổi tiền lẻ ở sân bay La Guardia, New York. Tìm được máy này mừng ghê lắm, vì Thảo đáp máy bay vào nửa đêm, chưa dám bước chân ra thành phố. Các cửa hàng trong sân bay đóng cửa cả, suýt nữa không còn tiền lẻ cho hai việc: gọi điện tin về nhà và mua đồ ăn trong máy bán hàng tự động.

Máy đọc được đồng $1 và $5. Lincoln hay Washington gì thì cũng phải vuốt tờ tiền cho phẳng, lật mặt hai ông lên trên, trán bên trái, cằm bên phải.

Cũng vì đến vào nửa đêm cho nên trong vòng 20 phút đáp xuống NY không sắm được cái áo thun I ♥ NY kia. Tối hôm đó Thảo nằm ngủ vật vờ ở sân bay. Đêm lạnh nên răng hai hàm cắn chặt vô nhau tới phát đau. Chỉ có một mình mình trong sân bay vắng lặng, với một cái vali, gói snack và một nùi áo ấm, không biết cách biến sân bay thành tổ ấm như Mr. Navorski trong The Terminal.

Mặt trời lên, Thảo như Mr. Navorski bước qua cánh cửa đầy vinh quang. Tài xế taxi vàng New York không nói rành tiếng Anh, hơi ngạc nhiên. Khuyến cáo mới đến New York không nên bắt taxi gì ngoài yellow cab vì dễ hóa thành taxi dù. Cảm giác giác những phút đầu tiên trong lòng New York, rất ổn, và phải tự nhắc mình nhiều lần rằng, tự đây là New York. Đường sá ở Queens nhìn hiền hòa yên ổn, cảm giác như vẫn ở Tacoma. Có khác hơn chút là khoảng cách giữa các nhà hẹp hơn, không thênh thang như vùng sa mạc Richland. Chật đến cỡ nào thì nhà nhà vẫn cố để giành đất cho một khoảnh cỏ xanh xanh.

Buổi sáng đấy.