Pages

Sunday, October 21, 2012

Broadway legend: Wicked


Lần cuối cùng coi được một thứ gần gần với nhạc kịch nhất chắc là Chuyện tình Lan và Điệp ké trên ti vi, trước nữa là hồi mẫu giáo coi người đội lốt thỏ, gấu diễn kịch giáo dục trẻ em, hát mấy bài thiếu nhi. Vào thời điểm này có hơi ước gì mình biết được chút ít về tuồng, chèo, cải lương, để tỏ ra am hiểu và so sánh được giữa văn hóa kịch và nhạc tây-và-ta.

Chỉ biết là nhạc kịch Broadway liên tục phát triển, vượt ra ngoài truyền thống opera, và quần chúng cũng trưởng thành để tiếp nhận văn hóa nhạc kịch. Một bộ phận lớn trong giới trẻ thích xem kịch như xem phim, cũng như thích nghe nhạc jazz, cũng như thích đọc văn học cổ điển. Từ ngày cầm được vé Wicked trên tay Thảo cũng hóa ra ghiền nghe nhạc kịch trên YouTube. Họ hát rất hay, cảm xúc đặt vào từng chữ, nếu so được với nghĩa tổng thể của lời không khỏi rùng mình. Theo đoán thì do tính chất của nhạc kịch, nét mặt biểu cảm hay đôi mắt có hồn không còn tác dụng kể chuyện nữa, vì hầu hết khán giả sẽ không nhìn thấy, nên toàn bộ cảm xúc được đặt vào giọng hát.

Rất rất thú vị là vở diễn đầu tiên mình được xem lại là Wicked đình đám, người xem đông nghẹt. Mặc dù kịch Broadway là thứ khá xa xỉ, rất nhiều người vẫn chăm đi xem và có thói quen sưu tập các tờ chương trình. Bởi rằng, sau vài năm các vở diễn có nguy cơ chuyển sang chỉ còn tồn tại trên đĩa DVD. Nếu như diễn viên truyền hình lên phim là thành… bất tử thì dàn diễn viên sân khấy kì cựu đã lên tuổi thì sẽ từ giã và bước tiếp. Việc tuyển chọn diễn viên mới phải có kế hoạc và mất nhiều năm. Diễn viên không chỉ cần ngoại hình, độ tuổi phù hợp, mà còn phải rất đa tài, hát hay, múa đẹp, diễn xuất giỏi, hay chắc là có “số” thủ vai nhân vật đó. Được sắm một vai tại Broadway có thể coi là thành công để đời của một diễn viên sân khấu.



Để thưởng thức trọn vẹn vở Wicked nhất định phải xem qua phiên bản phim chuyển thể của The Wizard of Oz rất quen thuộc đối với người Mỹ. Wicked được đặt định là câu chuyện thật đằng sau bức màn cổ tích của Phù thủy xứ Oz. Warning: Everything is not what it seems! Wicked tuyệt vời về nội dung, và các chi tiết ăn khớp với nhau và với chuyện gốc khéo đến nỗi mình phải băn khoăn không biết tác giả The Wizard of Oz khi cầm bút viết câu chuyện kinh điển có nghĩ đến những điều này không. Các nhân vật có tính cách đa chiều, phức tạp hơn một mặt tốt, xấu thể hiện trên phim. Đó là Phù thủy Tốt Glinda vốn đỏng đảnh và hời hợt, chỉ chăm chút cho hình tượng hào nhoáng trước công chúng. Đó là Elphaba da xanh, hắc ám, một người chị tận tụy với người em gái tàn tật, và đặc biệt có lòng thương cảm dành cho động vật (cứ nghĩ đến bà phù thủy chăm nuôi bọn khỉ bay). Đó là anh chàng người thiếc lạnh lùng rũ bỏ một cô gái yêu thương anh hết lòng, để phải sống làm người không tim. Đó là tay lừa đảo siêu hạng mang tên The Wonderful Wizard of Oz. Bất ngờ nhất là tình bạn không tưởng giữa Phù thủy Tốt và Phù thủy Hắc ám. Cũng như The Wizard of Oz, mọi mâu thuẫn cuối cùng được giải quyết bằng một… xô nước lạnh, nhưng hoàn toàn không giống với kết thúc quá nhanh chóng trong phim, dễ dàng đến mức cả Dorothy cũng phải ngạc nhiên. Lẽ thường thì ai cũng đoán là một kết thúc dễ dàng và không trọn vẹn, anti-climax như vậy hẳn phải còn nhiều uẩn khúc đâu đây.

(publish chừng này và sẽ còn cập nhật tiếp)








1 comment:

  1. Cuộc đời của các nghệ sĩ thường là ngắn ngủi. Vinh quang dường như tiết kiệm mỉm cười với họ, trừ những ai thật sự nỗ lực. Tài năng và nổ lực! Phải thán phục sự biểu cảm của những ngôn ngữ lời và không lời của các diễn viên khi không có một kỹ thuật nào hổ trợ (Ví dụ trong phim ảnh, người ta có thể làm mờ, cận cảnh những biểu cảm nhiều lần cho đến khi đạt...)

    ReplyDelete