Pages

Monday, March 31, 2014

Kể chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ cho em bé Mỹ



Có bao giờ tưởng tượng mình kể chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ cho một nhóm 23 em bé người Mỹ, tuổi từ mẫu giáo đến lớp Hai, trong một trường tiểu học thuộc một vùng hẻo lánh của tiểu bang Minnesota.

Đây là ảnh cả nhóm đang cười:


Đây là ảnh các em bé đang nói CẢM ƠN bằng tiếng Việt, nghe cứ như COME ON!!


Các học sinh quốc tế ở St. Mary's được đăng kí một suất đến giảng về văn hóa nước mình cho các em bé trường tiểu học. Thảo đăng kí trước vài tuần, mà không rõ mình đang dấn thân vào cái gì. Buổi trưa trước buổi chiều đi vẫn chưa có slideshow.

Đây là slide chắp vá trong một tiếng đồng hồ. Thật mừng là có ai đó đã chụp ảnh một quyển truyện thiếu nhi về Lạc Long Quân và Âu Cơ. Bạn Tàu chơi nhạc cụ truyền thống. Bạn Nhật gấp origami. Bạn Ả Rập vừa chơi nhạc cụ truyền thống, vừa mặc áo lễ là đã ấn tượng. Các bạn ấy còn có thứ chữ viết tượng hình ngoắt nghoéo như vẽ, người Tây nào nhìn cũng trầm trồ khâm phục. Bạn Việt chỉ có lợi thế về Tiếng Anh thì biết làm gì?


Ban đầu Thảo giới thiệu Thảo tên là Thảo, tên có nghĩa là Respectful of Parents. Thảo kể là người Việt Nam luôn nhắc nhở con cháu như thế. Thực ra trước giờ ai hỏi thì Thảo vẫn nói Thảo có nghĩa là cỏ. Mãi cho tới khi tìm thấy các này trước cửa phòng.

Đấy là từ bạn sinh viên phụ trách kí túc xá. Không ngờ bạn Mỹ trắng còn nghiên cứ kĩ hơn cả mình.

Hỏi các em đã nghe đến Việt Nam chưa (lắc đầu), có quen bạn nào người Việt không (noooooo). Nước Việt Nam nằm ở vùng Đông Nam Á, gần đường xích đạo. Khí hậu tở khu vực quanh đường xích đạo sẽ như thế nào. Các em trả lời, hot, warm. Tiểu bang mà người Việt thích đến ở nhất sẽ là...? California!!!!!!! Các em cực kì hào hứng, nói rất dõng dạc, nhưng rất lịch sự, phải giơ tay được cho nói mới trả lời.

Các em bé rất dạn dĩ và cực kì tinh. Chỉ vừa nhìn qua ảnh bánh xèo, chưa nghe giảng gì, các em nhận xét giống bánh pancake (bánh xèo cũng thường được dịch là Vietnamese Pancake), nhưng được gập đôi lại giống món taco (món Mễ). Thảo kể bên trong nhân thịt heo, tôm, và đậu (thực ra là giá, nhưng Thảo không biết chữ tiếng Anh). Vậy ra đây là món pancake, pizza và taco trong một!

Thảo kể cho các em nghe phiên bản giản lược của chuyện Lạc Loc Quân và Âu Cơ. Phiên bản Thảo được học năm lớp 6. Còn phiên bản đầy đủ có cả cha mẹ Lạc Long Quân, có cả tên cúng cơm của Lạc Long Quân là Sùng Lâm, và những chiến công diệt trừ yêu quái của Lạc Long Quân thì Thảo đã đọc từ hồi cấp I. Thảo hỏi các em đã biết về Mythology chưa, đã học Thần thoại Hi Lạp chưa. Lại phải giảng cho các em thần thoại là gì. Thì ra giờ đây các em sẽ biết tới Lạc Long Quân trước khi học về Zeus và Hercules.

Chuyện kể rằng (theo hình ảnh copy được về), thuở xưa đất trời còn hoang vu, cảnh vật lặng ngắt đìu hiu, không có sự sống của muôn loài làm nhộn nhịp. Một ngày kia, một con rồng vàng xuất hiện từ phía đại dương xa xôi. Rồng vàng hiện nên hình người thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Để cho dễ hiểu thì tạm gọi Lạc Long Quân là một vị thần, mạo muội dịch là King of Dragon (quên nói rằng rồng phương Đông và rồng phương Tây có diện mạo và ý nghĩa khác nhau).

Lạc Long Quân đánh thức sự sống của muôn loài. Mặt đất trở nên tươi vui. Các em học sinh chỉ trỏ và gọi tên các con vật. Về nhà nhìn lại Thảo mới thấy cả đám kể cả Thảo đã bỏ quên con voi. Trong tiếng Anh có thành ngữ "an elephant in the room" để chỉ sự việc nổi cộm, không ai không thấy, thường là không mong muốn, nhưng không thể tránh không giải quyết.


Một hôm trong lúc đi chơi miền núi, Lạc Long Quân giết một con ác điểu và giải cứu được một tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần. Thảo đã quên tên Âu Cơ có ý nghĩa gì, nhưng bởi vì là tiên nữ của núi nên tạm dịch là Goddess of the Mountains, với hi vọng là các em sẽ không tự đi truy ra nguồn gốc câu chuyện truyền thuyết *mặc cảm lỗi thiếu trách nhiệm*. Các em thì khi nói về Âu Cơ thì gọi là the mother. Về nhà tra lại thì Âu Cơ có nghĩa là "Bà mẹ cao quý". Thì ra các em đúng và Thảo sai.

Sự việc xảy ra tiếp theo là hoàn toàn tất yếu theo quy luật của truyện cổ tích. Thảo cho các em đoán. They get married! Các em đồng thanh, rất phấn khởi.

Không lâu sau đó (bỏ qua vài màn vần nhau với yêu quái), Âu Cơ sinh ra một các bọc, trong có một trăm quả trứng. Trăm trứng ấy nở ra một trăm em bé. They must be tiny! một em đoán. Ngưng lại một chút để các em hình dung cảnh tượng đấy. Thảo quen một bạn Ả Rập có đến 11 anh chị em từ một mẹ. Bạn nhớ hết tên (phần lớn là một phiên bản của Mohamed hoặc Abdulla), nhưng không nhớ hết sinh nhật. Thảo hỏi, với 99 anh em thì có thể nhớ hết tên của mọi người không? Có nhớ hết sinh nhật được không? Tốt hơn hết là anh chị em nên bầu bạn nhau trên Facebook, để được Facebook nhắc nhở. Một em nhận xét là không cần thiết nếu tất cả mọi người đều sinh cùng một ngày. Ngớ ra một hồi. Em ý còn khôn hơn cả mình.

Gia đình đang hòa thuận đầm ấm. Nhưng sau rồi Lạc Long Quân và Âu Cơ từ giã nhau, vì Lạc Long Quân sinh sống trên đất liền lâu ngày nhớ biển cả, muốn hóa thành rồng bay về thăm thủy cung. Giống như nàng tiên cá Ariel cũng có lúc nhớ cung điện under the sea. Họ chia nhau, 50 người con về miền biển, 50 người con lên non cao. Chuyện này làm cho các em bé rất băn khoăn. Những câu hỏi đặt ra dồn dập. Liệu họ có bao giờ gặp lại nhau không. Anh chị em có đến thăm nhau được không. Có thể 50 người con lúc ở với mẹ, lúc ở với cha được không. Dễ thương lắm! :) Hì hì, phải an ủi vỗ về các em, vì bài học ở đây là hết thảy con người Việt Nam đều là anh em một nhà, cùng chung mái ấm gia đình. Lạc Long Quân và Âu Cơ như Pocahontas và John Smith, không thể ở bên nhau vì họ thuộc về hai thế giới khác nhau.

Một em nói hi vọng 50 người con theo cha xuống biển cả biết cách thở dưới nước :). Thảo nói họ trở thành fishermen, dân đánh cá. Nhưng việc cả người cha và người mẹ đều là những vị thần nhưng sinh ra con cái lại là người trần mắt thịt, các em cũng thấy không được logic cho lắm :). Phải giải thích truyện thần thoại, truyền thuyết do trí tưởng tượng của con người dựng lên, nên đôi lúc thiếu logic như vậy đó.

Dưới đây là trò chơi Thảo chuẩn bị cho các em. Thảo vẽ cái khung kia với cây thước 10cm.


Đấy là mô phỏng trò bóng bầu dục của Mỹ. Quả banh sau đó được tô màu nâu ở những chỗ cần nâu. Mặc dù không liên quan tí gì đến văn hóa Việt Nam nhưng trò bóng bầu dục trên giấy rất phù hợp với mục đích của mình.


Ý tưởng của trò này chôm từ thầy dạy tiếng Đức ở VGU năm xưa, và đây cũng chỉ là một trong những ý tưởng trò chơi cực kì độc đáo của thầy. Thầy trẻ lắm, người Việt nhưng có bằng thạc sĩ ngôn ngữ tại Đức, và là thầy dạy ngoại ngữ tuyệt vời nhất Thảo từng biết. Ngồi trong lớp thầy có thể cảm nhận được thầy học ngoại ngữ vì yêu thích nền văn hóa, cũng như mình.

Cầu thủ ghi bàn trong bóng bầu dục phải ôm banh chạy nhanh hết sức về đích, cán văng tất cả những kẻ ngáng đường (Forrest Gump là một người chơi bóng bầu dục rất giỏi). Các em được cô giáo chia ra làm hai nhóm để thi trả lời các câu hỏi về văn hóa Việt Nam (quên nói rằng cô của các em ngồi đó để can thiệp cho mình khi cần thiết, nhưng cô cũng rất thích thú nghe). Đội nào trả lời đúng một câu và trả lời trước đội kia thì trái banh sẽ được dịch về phía đối phương một số. Bóng bầu dục ở Mỹ là môn thể thao có tầm quan trọng sánh với bóng đá ở châu Âu và Việt Nam, cho nên rất kích thích tinh thần thi đấu của các em. Kết quả là một đám hai chục nhóc tì, nhóc nào cũng dùng hết sức để hét, nhao nhao cả lên.

Rõ ràng là các em vẫn không chấp nhận vụ chia tay của Lạc Long Quân và Âu Cơ, vì với câu hỏi Did Lạc Long Quân and Âu Cơ remain married in the end?, câu trả lời vô cùng quả quyết với tần suất cực lớn là YES!!!!!

Cuối cùng Thảo hết vốn câu hỏi (19 câu) và hết giờ, nhưng vẫn chưa ghi được bàn nào, vì hai đội quá ngang cơ. Cô giáo an ủi, sometimes that happens in football, nhưng hai đội đều chơi rất giỏi và rất nhiệt tình. Tờ câu hỏi được cô xin lại nên giờ không có để chụp. Sân cỏ và trái banh cũng được tặng cho lớp học luôn.

Vậy đấy là câu chuyện các em bé Mỹ nghe kể chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ :)

4 comments:

  1. Ôi, hay quá đi. Chuyện Lac Long quân và Âu cơ con kể như thế nào không biết , nhưng cách cảm nhận của mấy đứa trẻ thật là dễ thương và tuyệt vời.

    ReplyDelete
  2. Thảo = Respectful of Parents. Thật tuyệt vời!

    ReplyDelete
  3. Đọc lại thấy hay quá Thảo ơi

    ReplyDelete