Pages

Wednesday, March 5, 2014

Milwaukee, WISCONSIN Trip- Day 2


St. Francis Church

Như vậy việc buổi sáng đi lễ là không bàn cãi. Nhà thờ cách nơi ở của mình chỉ một con đường (bề nang). Mặc dù không phải tuổi đời trăm năm như các Nhà thờ ở New York nhưng St. Francis' cũng khiến cho các bạn tấm tắc và Thảo cũng thấy ngưỡng mộ. Mà đã bao giờ thấy một Nhà thờ Công giáo nào không đẹp chưa? Hoặc là đã bao giờ thấy một Nhà thờ Công giáo nào na ná về kiến trúc với một Nhà thờ Công giáo khác chưa?

Quả thật khi người ta hao công tốn của xây dựng Nhà thờ quy mô và lộng lẫy, làm cho Nhà thờ luôn là tòa nhà vươn cao nhất trong khu phố, nổi bật nhất với hình dáng không thể lầm lẫn, hẳn là cái đẹp thẩm mĩ có công dụng cứu rỗi nào đó. Chừng nào hiểu sâu hơn sẽ bàn luận vậy.


Vì mẹ thích hình Nhà thờ nên đi đâu gặp Nhà thờ Thảo cũng chụp hình, tuy không phải lúc nào cũng gởi lẹ được. Hẹn hôm nào đó sẽ viết về Nhà thờ St. Thomas Moore ở St. John's. Bài nháp đã create rồi.
Thảo thường kể với mọi người là theo quan sát thì các vùng ngoại ô (Richland, Winona) thường "Mỹ" hơn các vùng đô thị lớn (New York, Tacoma). Thực ra trong đầu mình nghĩ là các vùng ngoại ô thường "trắng" hơn. Khi người ta hỏi lại, "Mỹ" là như thế nào. "Mỹ" được Thảo định nghĩa là da trắng, trung lưu và trên trung lưu, và có đi Nhà thờ. Thực ra ba đặc điểm trên hết sức phổ quát trên đất Mỹ, nên không hiếm các gia đình bao gồm cả ba, và họ lại người đại diện cho cái chất "Mỹ" (có thể thêm vào đặc điểm trong nhà có đàn piano nữa).
Đối với nhiều bạn đi học ở Winona, Minnesota thì đây là một trong những lần hiếm hoi đi thăm một vùng đô thị. Các bạn được cảnh báo là ở đây khi người ta đã làm lễ tôn vinh Thiên Chúa thì người ta tán tụng hết ga. Điều này có nghĩa là ca đoàn với những chất giọng cực khỏe đặc trưng của nghệ sĩ Mỹ gốc Phi hát nhạc phúc âm, những màn vỗ tay phụ họa rầm rập, và cả lắc lư thân người theo nhạc.


Hôm nay đến đúng buổi lễ rửa tội cho hai em bé. Kia là Cha đang giới thiệu và chào mừng hai gia đình đến với cộng đồng.
Nhà mình đang ở cũng là nhà của Cha. Cuối buổi lễ Cha mời mọi người vỗ tay đón chào những tình nguyện viên đến từ Winona, Minnesota.

Và đây là lúc mọi người cầu chúc bình an cho nhau. Trước đây Thảo đã nhìn thấy những cái bắt tay, những cái ôm, hoặc cúi chào, hoặc chỉ đứng từ xa mà đưa tay ra thôi. Riêng ở nơi đây thì người đi lễ mất cả 5 phút cho việc này. Thánh đường như náo loạn cả lên khi mà tất cả mọi người đều rời khỏi chỗ để đến chạm được càng nhiều người càng tốt.
Có ông bà đi đến chỗ Thảo và bạn Thảo ngồi, hỏi đây là lần đầu tiên đi lễ tại đây hay sao. Làm sao họ biết được nếu họ không quen hết tất cả mọi người ở đây?
Một tấm nữa trước Nhà thờ.

Grocery shopping at Pick 'n Save

Bữa sáng hôm đó lại ăn nhà các Cha. Cha đã rộng rãi cho một lốc bánh mì lát, hộp bơ bự chảng, thịt ham lát mỏng, yogurt, hai tá trứng luộc, bình sữa, cam và chuối, và chục bịch bắp rang để ăn sáng cầm chừng trước khi đi mua đồ tự túc. Và nhường nguyên một phòng sinh hoạt chung dưới tầng hầm, có tủ lạnh, lò vi sóng, ghế sofa và ti vi màn hình rộng. Đi tình nguyện sướng vậy?

Cửa hàng được Cha giới thiệu tên Pick 'n Save. Khá lạ, vì người Mỹ thường hay đi mua sắm ở các thương hiệu lớn, như Walmart, FredMeyer, Winco Food... Có lẽ đây là cửa hàng giá bình dân cho người dân địa phương chăng? Thảo tìm được một tờ coupon quảng cáo Gà tây với giá 59 cent một pound. Vậy hóa ra gà rẻ hơn chuối à?

Đây là list shopping được các bạn soạn ra. Trong hoàn cảnh thiếu thốn và thời gian gấp rút hiện tại thì chỉ cần đồ ăn sẵn. Trong list yêu cầu còn có cả đồ ăn vặt, nước táo, chocolate nóng, chip và đồ nhắm cùng với chip. Quả thật với mức sống cao thì nhu cầu xa xỉ dần sẽ trở thành nhu cầu tối thiểu.
Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận công dụng gây phấn khích và yêu đời của một tách chocolate nóng.


Một loạt các ảnh tiếp theo là những câu danh ngôn về đồ ăn, phân theo chuyên mục, và được viết rất lớn trên tường.

Mark Twain cũng nói về việc ăn dưa hấu cơ đấy.
Thảo đã chụp nhanh tay các danh ngôn trong khu rau củ quả, cho tới các khu thịt cá, phô mai thì ngán quá không chụp nữa.

Ở Mỹ vẫn bắt gặp những khoảnh khắc hóm hỉnh như thế này, làm cho Thảo gán cho là một phần văn hóa Mỹ. Tạm thời chưa nhớ ra một ví dụ khác để so sánh, chỉ biết là mình đã bắt gặp những thứ tương tự cũng khá nhiều đó. Cảm giác như người ta muốn tự nhắc nhở rằng những người đi mua sắm cũng là con người chứ không chỉ là đối tượng tiêu thụ hàng hóa. Thức ăn đến từ thiên nhiên như nghệ thuật đối với đồ ăn là thứ thuộc về con người. Chắc đây cũng là cái nhân văn thể hiện trong một xã hội đủ đầy và coi trọng việc hưởng thụ.
Và kết quả của quá trình tích lũy.


Jelly Belly's Jelly Beans Factory

Thêm một địa điểm nữa khiến cho chuyến đi này giống đi nghỉ ngơi xả hơi hơn, đó là chuyến thăm tới nhà máy kẹo bi nổi tiếng Jelly Belly.

Nói tới đi thăm nhà máy sản xuất kẹo bi thì ai cũng thành trẻ con. Tuy nhiên đến nơi mới biết mình bị mắc lừa chút xíu. Đấy chẳng qua chỉ là một cửa hàng kẹo thông thường, nhưng trá hình nhà máy sản xuất.
Họ cho mình mũ giấy Jelly Belly đội và đưa mình lên một đoàn tàu chạy vòng tròn quanh một căn phòng rộng, có những giá đựng thùng kẹo cao chót vót, và những viên kẹo bi khổng lồ treo lùng lẳng trên đầu. Tuy nhiên toàn bộ dây chuyền sản xuất đều được theo dõi qua màn hình ti vi (mọi sự quay chụp đều bị cấm cản). Trong đó người ta ra sức tán dương kẹo Jelly Belly được làm từ những hương liệu hoàn toàn tự nhiên, trải qua một quá trình 72 ngày để được một viên kẹo để tiêu thụ trong nháy mắt (thực ra không phải một mà là cả trăm nghìn viên cùng lúc, nhưng người ta quên nhắc tới việc đó).
Một trong những món "hàng thật" trong căn phòng đó là bức chân dung Nữ hoàng Elizabeth II làm bằng kẹo bi.
Và khi tiễn ra khỏi cửa, để cả lấp mọi ý định kiện tụng về một chuyến tham quan chán ngắt như thế, mỗi thành viên được phát một bịch kẹo nho nhỏ.


Lake Michigan

Thời gian từ sau nhà máy kẹo đến giờ ăn tối được dành lái xe vòng vòng quanh thành phố. Một địa điểm không thể tránh khỏi là Hồ Michigan.
 


Khi nghe đến những cái tên khét tiếng, tay chân mình đã ngọ nguậy không yên. Tuy nhiên con đường đi xuống đến tận mép nước là con đường đèo lượn qua lượn lại. Chờ mãi mà cái đường xanh xanh ở chân trời gọi là cái hồ không dày thêm được quá vài mili. Kết quả của một quá trình chờ đợi:
Vì trời quá lạnh nên không ai có hứng thú gì lội chân qua đống tuyết đấy để chụp ảnh với cái Hồ.
Chuyện kể rằng 5 hồ nước lớn trong khu vực Đông Bắc nước Mỹ này cung cấp đến 20% lượng nước ngọt cho toàn thế giới.
Bonus thêm một tấm chụp bằng iphone của bạn. Tại sao iphone chụp ảnh đẹp thế?

Dinner at Gyro's

Tiếp theo nữa là bữa tối tại nhà hàng Gyro's. Vì là cửa hàng không quen thuộc nên các ai cũng thử order món ăn thương hiệu, mang tên Gyro's Original. Gyro's Original là cái món có thịt, hành tây, cà chua kia. Thành phần có vẻ không khác lắm món ruột thịt bò xào hành tây, cà chua của mình.
 
Món thịt trong cái sandwich Gyro này mềm và khô hơn, vị lạ lạ, nhưng món nào qua tẩm ướp và nấu nướng cũng đều ngon. Buổi tối hôm đó ăn hết hai phần ba, và sáng hôm sau chén hết phần còn lại. Một thời gian sau đó, nghe lỏm được ai đó nói, cứ tưởng tượng đấy là thịt bò sẽ dễ ăn hơn. Mới biết đấy không phải thịt bò. Thực ra mình đã ăn phải thịt cừu.

1 comment: