Pages

Saturday, March 30, 2013

Thăm Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên New York- ("Day at the Museum")

Đây là bộ dạng hay bắt gặp ở khách đến thăm bảo tàng lịch sử tự nhiên (American Museum of Natural History)

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên nằm ở số 200 đường Central Park, theo Thảo là mé Tây của quận đảo Manhattan. Central Park rộng khiếp tới nỗi cái gì nó cũng nằm gần Central Park được cả. American Museum of Natural History cũng là một bảo tàng sống dài hạn bằng tiền quyên góp. May mà dân tình ở đây có ý thức nên kho tàng tư liệu này mới sinh tồn nổi. Cứ mỗi đứa sinh viên nghèo đi du học, đến đâu treo bản tùy-lòng-hảo-tâm cũng không chi quá 50 xu, thì có một doanh nhân thành đạt nào đấy yêu lịch sử và tự nhiên đến nỗi chỉ $30 cho một bận. Đi tàu từ St. John's tới bảo tàng này mất một tiếng. Có thể đi thẳng từ trong ga tàu điện ngầm vào cửa sau của bảo tàng luôn. Xây dựng như vậy chắc là do bảo tàng đón khách đi xe công cộng nhiều. Vậy nên Thảo chưa chụp được cửa chính, chắc cửa chính chỉ đón khách đi taxi.

Như thường lệ là chủ đề của bài post lại đụng hàng với blog "Nước Mỹ nơi tôi đang sống", blog của một bác già đi viễn du, mẹ giới thiệu. Mà trong blog "Nước Mỹ nơi tôi đang sống" ảnh chụp đẹp hơn, có thêm cả thông tin tổng hợp nữa. Vào trong đây để đọc và ngắm ảnh.

Nghe tới chữ lịch sử dễ hình dung ra đại bác và xe tăng, nhưng đây là lịch sử thế giới tự nhiên. Bảo tàng tuy rộng lớn và tiếng tăm, nhưng thực ra Thảo thấy không có gì nhiều để nói, thú thật là khá chán. Lí do là 80% đồ trưng bày ở đây là đồ giả: cây giả, thú giả, có đủ cả lông, mắt, trưng trong lồng kính. Tất nhiên đồ giả cũng có lí của đồ giả. Ví dụ là mẫu vật bướm sống vào đến phòng thí nghiệm ướp xác chắc cũng phải co quắp vặn vẹo, còn đâu vẻ đẹp lộng lẫy hiên ngang nữa. Tóm lại là nguyên tòa nhà này có chức năng như một quyển bách khoa toàn thư cho trẻ con, minh họa bằng hình nộm thay vì bằng tranh. Nếu như nấn ná đọc thì cũng thu được khối cái hay, và cách họ trình bày thông tin rất bắt mắt. Tuy nhiên mình không còn là trẻ con để bị dụ dỗ mới chịu đọc. Hơn nữa, đọc về cách cọp săn mồi, sau đó ngẩng lên thấy cái răng cọp hay con cọp nằm phơi nắng, thích hơn là nhìn con thú nộm trong tư thế vồ mồi bài bản.

Tuy nhiên đánh giá cao công sức người ta làm ra hình nộm rất đẹp. Trong một phòng lớn cho nhiều phòng nhỏ lõm vào tường, ngăn bằng tấm kính, trong mỗi phòng nhỏ là một loài vật với những tư thế tĩnh cứ như động, và bức tranh khung cảnh môi trường tự nhiên dán ở đằng sau tạo cảm giác chiều sâu rất hay, như là mình nhìn thấy hai con cò đây. Về điểm này thì bác viết blog "Nước Mỹ nơi tôi đang sống" bị nhầm vì cái bác bảo không phải là poster lại chính là poster. Bác tưởng là cảnh vật nhân tạo này ở trong lồng kiếng khổng lồ, rất vĩ đại, nhưng Manhattan này người ta chỉ phung phí đất cho cây thật thôi, không phí cho cây nhựa đâu.




Bảo tàng có tận 4 tầng, được chia ra làm nhiều phòng theo chủ đề. Động vật, thực vật chia theo phân bố, đặc trưng vùng miền. Có phòng về lịch sử tiến hóa của loài người, không gian vũ trụ, khoáng thạch và khủng long. 20% phần trăm hàng thật trong này tập trung vào phòng khoáng vật và khủng long. Có điều thật giả bất phân nên mình quy hết 100% là hàng nhái, nhiều món về nhà mới vỡ ra là đồ thật. Rất là oan Thị Kính cho quả thiên thạch Willamette, vốn là quả thiên thạch chạm đất còn nguyên vẹn lớn thứ 6 thế giới hiện này, sờ vào thấy lạnh như bằng sắt nên không buồn chụp hình chung mà chỉ dính một mảng trong lúc mình bận chụp người ta như thế này thôi. Quả thực tảng thiên thạch làm bằng một hợp chất sắt-niken nhưng mình có thói quen nghĩ việc sao băng rơi xuống đầu là quá hiếm.

Phần còn lại của phòng thám hiểm không gian vũ trụ (hi vọng) cũng chỉ là sách giáo khoa
Mô hình mặt trăng:
Và bàn cân trong môi trường trọng lực của mặt trăng. Nếu nhân với 6 lên, xong chuyển sang kg thì Thảo nặng 50 kg. Cân đánh lừa!!

Thích học thiên văn như em thật ra rất nên vào đây. Họ có một hệ thống phim, mô hình, màn hình tương tác.
Trái cầu sinh học này cực hay. Trong môi trường khép kín, ngoài nhiệt lượng lấy từ ánh sáng mặt trời, các sinh vật trong quả cầu này tự cung tự cấp cho nhau trong một chuỗi thức ăn khép kín. Tảo lấy năng lượng từ mặt trời để tạo chất hữu cơ. Tôm ăn tảo và xác thải của tôm lại cung cấp chất hữu cơ cho tảo. Ảnh đẹp hơn ở đây.
Có điều Thảo vẫn cho là cái bình đó rồi sẽ đầy kín tảo và tôm, vậy thì người ta làm sao?

Màn đánh lừa thứ hai là bộ xương khủng long hoàn chỉnh của con T-rex, có đóng trong phim Night at the Museum. Lại tưởng rằng đồ chơi hóa đồ thật.
  

Và cả mô hình con cá vây tay đang chờ biến thành lưỡng cư. Trong phòng thật giả lẫn lộn làm sao không nhầm.

Khó tin nữa là trong đám đá quý, kim cương có hàng thật. Thứ duy nhất chứng minh với mình đấy là hàng thật là sự thể là đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp đá quý từ đây.
Thế giới đại dương



Lịch sử tiến hóa của loài người cũng không phải không thường thấy.





Phần lớn ảnh động vật, chim chóc













Văn hóa Mexico tới thời Trung cổ

Người da đỏ



Tổng thống Theodore Roosevelt là tượng đồng chứ không phải tượng sáp nhưu trên phim, lại không ngồi ngựa mà ngồi ghế!



Tóm lại là đi như vậy chỉ nhằm hình dung mình là Ben Stiller cưỡi bộ xương khủng long thôi. Có thể hiểu vì sao người đến đây vài lần ít thích quay lại, trừ khi có đam mê về xương hóa thạch của khủng long :).

Trung tâm trình diễn nghệ thuật Lincoln Center (P1)

Ảnh chụp về đêm ở Josie Robertson Plaza, là quảng trường có vòi phun nằm giữa ba nhà hát lớn nhất của Trung tâm Trình diễn nghệ thuật Lincoln Center (Lincoln Center of Performing Arts) của Mahattan.

Mỗi học kì, sinh viên trong chương trình Honors của St. John's University được tặng cho một vé đi xem nhà hát. Tất nhiên, vé tặng thì không làm sao có chỗ ngồi đẹp nhất được, nhưng thiết kế của khán phòng nhà hát thì bao giờ cũng cho đến cái người ngồi ngoài rìa hàng sau cùng cũng không phải tủi thân. Mặc dù trường chỉ mua về vé giá rẻ và tặng lại, nhưng không phải vé rẻ của một chương trình bá vơ bá vất, hay vẫn còn đang trong quá trình khẳng định tên tuổi đâu. Các tiết mục là những vở kinh điển, được chọn nhằm giới thiệu khái quát cho sinh viên về đặc trưng của nghệ thuật sân khấu. Về thể loại cũng cân bằng opera, ballet, và nhạc giao hưởng. Mỗi thứ Thảo đều đã đi một màn, nên đã đặt chân vào cả ba nhà hát chính của Lincoln Center.

Trong ba tiết mục thì vở opera Don Carlos thấy tập trung và hăng hái nhất :). Đi xem opera cứ phải lo vì trình độ kém mà không thưởng thức được, tuy nhiên trong khán phòng người ta cho thêm phụ đề tiếng Anh dịch từ tiếng Ý hoặc tiếng Pháp. Vì thế có thể thoải mái ngồi dựa vào ghế như đọc một quyển sách. Opera là nghệ thuật sân khấu ra đời từ thời chưa phát minh ra micro, thế nên trong khán phòng cực rộng cũng không trang bị micro làm gì. Giọng ca tưởng không thể hiện hữu trên trần thế kia, vẫn rõ ràng là phát ra từ miệng người ca sĩ. Thảo vẫn thấy nghe hát live dù không chỉnh sửa hay hơn trong phòng thu nhiều, mà bây giờ là giọng live không phải qua một lớp thu thanh nào cả.

Có nhiều nhạc sĩ thử viết opera bằng tiếng Anh nhưng không thành công. Lí do là nguyên âm trong tiếng Anh không khớp được với kĩ thuật opera, để ca sĩ có thể chạm tới những nốt cao không tưởng và thấp không tưởng, vừa khỏe, vừa dài, vừa có tình, những kĩ thuật không hiểu sao đặc biệt hòa thuận với tiếng Ý và tiếng Pháp, và Ý cũng là cái nôi của nghệ thuật opera. Có một số sáng tác văn học của nhà văn Mỹ, như Edgar Allan Poe, khi viết thành vở opera cũng được dịch sang tiếng Pháp. À, lời thoại của opera đọc như một tác phẩm văn học thực thụ vậy. Còn những vở như  Faust (vở ruột của Bianca Castafiore) Don Giovanni (Đông Gioăn), là những cái tên chính mình cũng đã phải nghe qua, thể hiện ảnh hưởng của opera trong văn học và văn hóa phương Tây. Opera cũng không phải toàn bi kịch thống thiết, như vở Marriage of Figaro của Mozart là được giới thiệu cho Thảo là một vở hài kịch không cười thì thôi.

Theo ấn tượng ban đầu thì nghệ thuật opera không chỉ có giọng nhức tai của Bianca Castafiore...
(Bài Jewel bằng tiếng Ý, nhưng trên phim Tintin dịch ra tiếng Anh, nên Bianca không kéo dài dây dưa mấy so với nghệ sĩ opera biểu diễn thật :))

...Mà còn những bài quả thực đáng yêu và dễ nghe, như màn này trong Il Barbiere di Siviglia
(Anh thợ cạo thành Seville)

Trong video này ai không nghĩ tới cảnh chuột Jerry đem chanh lên mút trong lúc mèo Tom đang hát Opera trước khác giả thì coi lại phim cho vui :).

Friday, March 29, 2013

Mái trường đại học thân yêu

Lần đầu tiên vọc Window MovieMaker, tác phẩm là một video clip dài 10 phút, tập trung gần hết tất cả ảnh chụp trường St. John's University từ đầu năm đến Christmas, chèn thêm 3 bài nhạc vào, cũng khá ưng ý.

Xin mời uống Egg cream

Có lẽ sửa lại là xin mời ngắm ảnh Egg cream và thử hình dung ra mùi vị thơm ngon cùng công dụng giải khát của món uống độc đáo chỉ có ở New York này. 

Ở khu phồn hoa New York, nơi tọa lạc những phố Wall, khu Đại lộ số 5, còn có một bộ phận rất lớn là dân nhập cư, dân thu nhập thấp đến trung bình. Văn hóa New York có bán hàng rong, có xin ăn, có giật xách (đã từng gặp một kẻ dám manh động, nhưng may không đến nỗi trắng trợn). Giọng New York đặc trưng đến nỗi đi đến đâu trên đất Mỹ người ta cũng nhận ra, do pha trộn tất cả âm hưởng tiếng nước ngoài.

Eggcream là món uống đại diện cho tất cả màu sắc văn hóa đó. Trước hết, eggcream vốn do người nhập cư sáng chế ra. Khoảng đầu những năm 1890s, một người Do Thái nhập cư ở quận Brooklyn tên là Louis Auster đã pha chế được một món đồ uống mới lạ, được yêu thích đến nỗi việc kinh doanh của ông mở rộng ra đến vài ba cửa hàng. Sau đó, một dây chuyền sản xuất kem toàn quốc ngỏ ý mua lại công thức bản quyền, sau khi bị từ chối đã có những lời miệt thị về gốc gác của ông. Ông Austen thề rằng sẽ đem công thức món uống này xuống mồ.

Có lẽ vì vậy mà egg cream đến bây giờ vẫn mãi là món uống đường phố bình dân. Kể ra người ta cũng đã thử đóng chai eggcream nhưng không thành công. Egg cream mãi vẫn phải được pha chế và thưởng thức ngay tại chỗ.

Trong thành phần của egg cream thật ra chả có kem, cũng chả có trứng. Egg cream theo kiểu truyền thống cũng được coi là có bà con họ hàng không quen biết với món sữa soda hột gà của người Việt Nam. Tuy nhiên sau này do nỗ lực làm giảm giá thành vốn đã rất rẻ của egg cream mà người ta bỏ đi thành phần cream và cả thành phần egg. Ngoài ra còn có vấn đề ngại ăn trứng lòng đào của người Mỹ nữa. Cải cách này khá là có ý nghĩa với dân nghèo thành thị, bởi chỉ giờ đây với sữa tươi, nước khoáng, và sy-rô sô cô la là đã có thể tận hưởng cảm giác bay bổng trên thiên đường.



Cho sữa vào đến1/2 ly, thêm một muỗng nhỏ sy rô sô cô la, cho nước khoáng vào cho bọt lên đến tận miệng, khuấy đều.



Sản phẩn hoàn thành.
Nghe về danh tiếng của món egg cream, cái háo hức nó làm cho giây phút egg cream chạm đầu lưỡi thật tuyệt vời. Đưa ly egg cream lên miệng nhấp một ngụm, thấy bọt khoáng sủi tăm, vỡ ra mát lạnh trên đầu mũi, sữa thơm và béo và ngọt mùi sô cô la. Nhấp một ngụm rồi dây dưa trong miệng để thấm vị ngọt, rồi sau uống cho đã khát. Rồi lại lấy thanh bánh prezel nhúng vào cho mềm, lại cho vào miệng vừa mút vừa nhai.

Egg cream hóa ra nó là món sữa sô cô la có ga, không khác chút nào.

Note: tất cả thông tin đều lấy ra từ bài giảng của thầy.

Bronx Zoo


Lại ảnh chôm trên Wikipedia để mọi người có được cái nhìn tổng quát về địa điểm này, vì không có gì khái quát được mọi thứ bằng cái cổng chào. Vậy mà Thảo lại có tật đi đâu cũng quên chụp cổng chào.

Bronx Zoo là sở thú, khu bảo tồn tự nhiên lớn nhất nước Mỹ hiện nay. Đọc bài thông tin trên Wikipedia ở đây. Xem ảnh chụp đẹp, toàn diện và chuyên nghiệp trong Blog "Đi giang hồ với người tình trăm năm" ở đây, là một blog viết về New York qua cái nhìn của người Việt, do mẹ giới thiệu. Còn bài và ảnh ở đây là chuyến đi của Thảo :).

Thảo đến Bronx Zoo lần đầu vào ngày thứ Tư trước kì nghỉ lễ Phục Sinh. Có một điều phải công nhận là kế hoạc mình định ra 10 lần hết 10 lần xuôi chèo mát mái (xuôi theo hướng nào thì thường mình cũng không định trước :D). Hôm đó là một ngày ấm áp và đẹp trời hiếm có của tháng 3 New York. Gọi là ấm áp và đẹp trời, tức là Thảo mặc cái áo bông dày nhất, quà của cô Thúy, chú Cường vào, thì cũng không phải khổ sở gì lắm. Ngày thứ Tư hàng tuần ở Bronx Zoo là ngày Pay-as-you-wish, tức là muốn trả bao nhiêu cho phí vào cổng cũng được, có thể goi là tùy lòng hảo tâm. Ngày mình thường thì sinh viên xin mời trả $10. Thành phố New York có cái rất quan tâm đến tầng lớp bình dân, nhất là trong chuyện giáo dục văn hóa. Hầu hết các viện bảo tàng sống dựa vào quyên góp hoặc cố gắng có 1, 2 ngày trong tuần tùy-lòng-hảo-tâm như thế cho tất cả mọi người. Tuy nhiên lòng hảo tâm từ phía các viện bảo tàng cũng có phần dặt dè, do thông tin về những ngày pay as you wish người ta không giấu nhưng cũng không nhắc nhở mình bao giờ. Tốt nhất là để ý nghe ngóng từ nguồn thông tin chất lượng là tin truyền miệng.

Vào cổng

Vừa bước chân qua cổng chính, mở ra trước mắt là khung cảnh phong thủy có tình như thế này đây.
 Tháng 3 rồi nhưng chưa có cây nào có dấu hiệu muốn mọc lá, giống như hồi 7 tuổi Thảo có cái răng hàm chờ mãi không mọc. Cuối cùng thì đến lớp 3 Thảo đã thay răng xong xuôi. Không hiểu vì sao nhắc tới chuyện này ở đây.
Bò mộng

Một đàn bò mộng nằm phơi nắng. Chuồng rộng mênh mang, nhưng không đủ cho sức vùng vẫy của bò mộng. Thôi cũng mừng cho các bạn, vì các bạn không phải gõ móng guốc lên nền xi măng.


Hươu, nai

Một loại hươu, chưa kịp đọc vì sao gọi là Pere David's deer.

Nhớ về Thảo Cầm Viên có xây nguyên một lâu đài cổ tích cho hươu nai, ý tưởng hay nhất của Thảo Cầm Viên. Ở đó, đứng ngoài cùng là nai Bambi, to khỏe vạm vỡ, trong cùng là hươu sao nhỏ nhắn dễ thương không tả. Hươu đuôi trắng như Bambi là loài bản địa Bắc Mỹ, còn hươu sao có nguồn gốc từ Đông Á, có loài là đặc thù của Việt Nam, cho nên ở quận Bronx này không có. Thật là đáng tiếc. Hiện này, hươu sao đang trên bờ vực tuyệt chủng. Tình trạng của Bambi thì ổn, mức cần quan tâm ở mức thấp nhất trên sách đỏ.


Ngộ nghĩnh dễ thương. Đuôi của loài hươu "của ông Pere David" này có dáng chổi xể, so với đuôi Bambi ở bên cạnh. Bambi cũng là loài hươu đuôi trắng.


 Hàng rào thấp, nhìn cũng giống đang đứng giữa đồng cỏ.

Hổ

Trên lối vào lãnh địa của Chúa Sơn lâm, có không khí như bước vào nhà cây của Tarzan, chỉ có điều Tarzan không có hổ, còn Mowgli ở Ấn Độ thì không có nhà. Các chuyên viên chăm sóc cho hổ có một bảng ghi danh rất trang trọng.

Xin mời đọ kích cỡ với hổ.
Để cho dễ hình dung thì chỉ cần biết là Thảo cao 5 feet 3.

Xin mời đọ sức với hổ.

Trò chơi này có một khúc cây (giả) rỗng ruột và trái banh sắt xích vào lò xo bên trong. Người ta khoe hổ của họ có thể lôi tuột hết cả sợi xích ra ngoài. Thảo thì chỉ nhấc banh lên thôi, không kéo ra được tí nào.

Trong phòng này còn trưng bày những mảnh xương còn sót lại sau các bữa ăn của Chúa sơn lâm (hi vọng là nhặt được trên rừng :D). Họ tuyên bố là có thể học được rất nhiều về động vật hoang dã qua những dấu vết chúng bỏ lại. Tuy nhiên trên bàn đó còn có cả những chiếc ba lô đi rừng bạc màu, không biết là để vậy cho có không khí hay là cũng là một trong những dấu vết chúng bỏ lại.


 Chúa Sơn lâm ngự trong lồng kính. Cảm giác là như vậy, nhưng sự thật là Chúa sơn lâm ở bên ngoài, còn mình quan sát Ngài từ bên trong lồng kính.

Bởi vậy Ngài đây mới khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ. Ôi chao.


Cọp trong lồng kính lại nhớ tới con cọp trắng ở Thảo Cầm Viên. Ảnh của mình vẫn còn đấy. Hổ trắng tuy rất đẹp theo con mắt thẩm mĩ của con người, nhưng hoàn toàn không tự nhiên. Hổ trắng có được chủ yếu do chủ động phối giống cận huyết.


 Ngài đây còn có cả hồ bơi riêng.
 Đường trong nhà kính đi xuống dưới mực nước, nên ngoài thấy Chúa còn thấy được rõ cá lượn dưới sông nữa. Cá khá là to, có lẽ để cho Ngài vừa ăn vừa tập thể dục thật.


 Bảng thông tin kể lại chuyện phối giống thành công, và có được các công chúa, hoàng tử bé ra đời.


Nhìn chỗ này hình như thấy được cái nòng đại bác cho ngài chơi.

"We Can't Imagine a World without Tigers"

 Nói chung, có nhiều tranh cãi về việc bắt giữ động vật hoang dã, nhốt vào chuồng chật hẹp trong các sở thú. Tuy nhiên, qua một chuyến ra vào hang cọp này, có thể thấy mục đích của căn nhà này là nâng cao ý thức về môi trường tự nhiên cho mọi người. Một, hai con hi sinh để người bình thường như mình tận mắt nhìn thấy một cái gì gần với tự nhiên nhất, để thấy thế giới hoang dã đẹp tuyệt diệu và đáng trân quý biết chừng nào. Bên ngoài, họ có một bảng cảm ơn khách tham quan, bảo rằng chuyến thăm của bạn đã giúp bảo tồn tự nhiên.
Trái banh lông có vằn này giá $13, muốn mua về vì là năm tuổi của em :), nhưng mà ngần ngừ. Thú bông dạo này có xu hướng mắt thôi miên, sáng long lanh, to bằng cái chén.

Những loài chim bơi trên nước

Trên đầu các bạn này không có tấm lưới giăng nào cả, không biết vì sao các bạn không bay về Florida tránh rét đi nhỉ. Nhưng mà... Thảo cứ tưởng thiên nga biết bay.


 Bảng thông tin các tư thế khác nhau của vịt. Còn thiếu tư thế ngủ một chân trên cạn mà hôm nọ mình mục kích được ở vịt trời của Central Park.
 Chụp vì cái mai rùa. Mặt nước phản chiếu bầu trời thật là đẹp.

 Những con cùng loài có vẻ thích đi thành đôi. Tiếc là chưa chụp được đôi thiên nga trắng.
 Bạn này chỉ thấy trong sách vở thôi. Không ngờ bên ngoài cũng đẹp y chang. Cảm động như hôm nọ thấy được cá Dory màu xanh bơi trong bể ở một nhà hàng Hồng Kông.

Gấu Bắc cực

Rất là không tin nổi. Giữa khí xuân vùng ôn đới Hoa Kì có cái tủ lạnh này cho bạn đây. Chuồng của bạn là một cảnh tượng tuyệt vời (cái gì màu trắng cũng đẹp cả), nhưng tiếc phải giữ lạnh nhân tạo nên hơi nhỏ. Vì thế bạn cứ có vẻ buồn chân, thích đi qua đi lại, hành động cũng bắt gặp ở hổ trên sàn xi măng!!



Bảng thông tin về gấu Bắc cực. Tuổi thọ trung bình của gấu Bắc cực là 25 năm. Mặc dù gấu thông thường là loài ăn tạp, nhưng gấu Bắc cực chỉ thuần ăn thịt, và món khoái khẩu của bạn là hải cẩu (Có cần phải nói không, ở Bắc cực thì có bao nhiêu cây cỏ để mà ăn?). Mỗi ngày bạn đều chén một con, còn trong điều kiện khó khăn thì có thể nhịn ăn đến hàng tuần.

Một trong những truyện Thảo đọc đầu tiên kể từ ngày biết đánh vần là quyển Bé Bự Con gấu trắng. Đến giờ còn nhớ, gấu mẹ đào lỗ dưới tuyết để sinh gấu con. Sau đó, gấu mẹ bị thợ săn giết chết, để lại hai gấu con. Một trong hai đứa là Bé Bự, nhưng hình như sau cùng chỉ có Bé Bự sống, còn chuyện gì xảy ra với gấu anh thì không nhớ nổi.

 Gấu Bắc Mỹ
Lịch sử của cộng đồng chuồng gấu nâu là bốn gấu con lạc mẹ được tìm thấy trong rừng, sau đem về nơi này nuôi.
Hôm ấy các bạn tắm táp, cắn nhau, vả mổm xong lại còn lên bờ vờn nhau làm khách tham quan khoái hết cỡ. Nhất là 2/3 số linh trưởng ở đây chắc là đám nhóc tì. Xin mời coi video ở đầu bài :).



Bảng thông tin: Gấu Bắc Mỹ là hậu duệ của loài gấu vùng Alaska và Nga, chuyên đi săn vào mùa cá hồi di cư ở vùng suối nước chảy xiết. Gấu Bắc Mỹ đang có nguy cơ tuyệt chủng. Disney làm phim Brother Bear về loài gấu này, nhìn khá dễ thương, không rõ là có hay xuất sắc không.


Khỉ đầu chó

Một cặp khi đầu chó trong chuồng kính nữa. Con này hình như là thầy tu Rafiki trong The Lion King đây mà.



Công


Công không phải chưa bao giờ thấy, nhưng lần đầu tiên thấy mà mắt không vướng phải hàng rào.


Rào thì chỉ rào một nửa thôi, có cũng như không. Nhưng mà người Mỹ quy tắc quá nên ai cũng đi kiếm chỗ có rào để... tựa vào ngắm. Còn Thảo với tư tưởng phá rào ảm ảnh từ đầu chuyến đi đã chớp ngay lấy cơ hội. Thảo tiến vào trước, bạn Thảo theo sau. Con công chạy ra đường. Một vài người khác cũng đuổi theo. Ai mà biết ở đây người ta dám để cho công đi rông như vầy.


Rất may là con công chạy. Nếu con công không chạy thì Thảo chạy. Trước giờ Thảo hay sợ chó, sợ gà, nhưng cũng tỏ vẻ can đảm được tới đó. Trong trận chiến cân sức này thì ai chạy trước thì thua.

Băn khoăn vì sao con công này đuôi không xòe quạt, thua xa con ở Thảo Cầm Viên ngày xưa. Sau lại nhớ ra có lẽ chàng chỉ xòe quạt trước mặt công mái thôi :)

 Công và Thảo. Nghe cứ như tên truyện ngụ ngôn.